1) Dạng bài tập “Tìm từ ngữ cùng chủ đề”.
Ví dụ: Tìm các từ chỉ đồ dùng học tập(m: thước kẻ); chỉ hoạt động của học sinh(M: viết); chỉ tính nết của học sinh(M: chăm chỉ)
Dạng bài tập này ngoài tác dụng giúp học sinh mở rộng vốn từ còn có tác dụng giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy hệ thống. Khi hướng dẫn học sinh làm bài tập này, giáo viên nên dựa vào ví dụ mẫu trong sách giáo khoa để hướng dẫn học sinh tìm từ. Các từ ngữ mẫu (còn gọi là từ điểm tựa) có tác dụng gợi ý định hướng cho học sinh trong việc tìm từ, đồng thời giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu của bài tập. Có thể tổ chức, hướng dẫn cho học sinh chơi trò chơi tiếp sức. Chia bảng lớp thành 4 cột dành cho 4 tổ, cử đại diện tiếp nhau lên viết những từ đã tìm vào cột dành cho tổ, mỗi em chỉ viết 1 từ, sau đó chuyển phấn cho bạn khác cùng tổ viết tiếp trong một thời gian nhất định. Sau đó nhận xét, tuyên dương những tổ thắng cuộc và cho học sinh đọc lại những từ đã tìm( từ đúng) để khắc sâu kiến thức cho học sinh.
2) Dạng bài tập “Tìm từ cùng nghĩa, gần nghĩa hoặc trái nghĩa với một từ cho sẵn”.
Hoạt động tìm các từ cùng nghĩa, gần nghĩa, hoặc trái nghĩa với một từ cho sẵn nào đó có tác dụng rất lớn trong việc giúp học sinh mở rộng, phát triển vốn từ. Để học sinh có điểm tựa trong việc tìm từ. Khi dạy các dạng bài tập này, giáo viên thường giải thích nghĩa của các từ cho sẵn vào một số ngữ cảnh trong đó có sử dụng từ cho sẵn.
Ví dụ: Khi dạy về từ chỉ hoạt động, trạng thái.
Tìm các từ chỉ hoạt động, trạng thái của loài vật,sự vật trong những câu sau:
a) Con trâu ăn cỏ.
b) Đàn bò uống nước dưới sông.
c) Mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ.
Với dạng bài tập này, giáo viên yêu cầu học sinh nói tên các con vật, sự vật trong mỗi câu.”Con trâu”; “Đàn bò”: từ chỉ loài vật. “Mặt trời” là từ chỉ sự vật
Hướng dẫn học sinh tìm đúng từ chỉ hoạt động(của loài vật), trạng thái(của sự vật) trong từng câu. Yêu cầu học sinh nêu sau đó giáo viên chốt lại kết quả đúng rồi gạch chân các từ chỉ hoạt động hay trạng thái của loài vật, sự vật trong từng câu. Từ đó yêu cầu học sinh tìm từ khác cùng nghĩa, gần nghĩa với từ “ăn” ở câu a; từ ‘tỏa’ ở câu c. Nếu học sinh chưa tìm được thì giáo viên có thể gợi ý bằng cách giải thích nghĩa của từ “ăn’; ‘tỏa” rồi dần dần học sinh trả lời được. Từ gần nghĩa với từ “ăn” trong câu a là từ “gặm”. Từ gần nghĩa với từ “tỏa” trong câu c là từ “chiếu”; “rọi”.