1. Câu cần đúng về quy tắc ngữ pháp Tiếng Việt
Quy tắc ngữ pháp được hình thành từ thực tiễn sử dụng tiếng việt để giao tiếp trong xã hội, các quy tắc đó đã thành chuẩn mực được xã hội thừa nhận mọi người phải tuân thủ khi nói và viết. Quy tắc đó bao gồm quy tắc cấu trúc cú pháp : C-V.
Khi viết phải nắm vững đặc điểm cú pháp của từng kiểu câu: Câu đơn, câu ghép,câu phức, câu đơn đặc biệt. Một số quy tắc cơ bản sau:
a-Quy tắc cấu tạo các cụm từ :
Muốn cấu tạo đúng câu trước hết cần cấu tạo đúng các cụm từ. Cụm từ là sự tổ hợp các từ theo quan hệ ý nghĩa và ngữ pháp để tạo nên đơn vị thống nhất, đảm nhận một thành phần cú pháp trong câu.
+Cụm danh từ :có danh từ làm thành tố chính. VD: quyền mưu cầu hạnh phúc
+Cụm tính từ : có tính từ làm thành tố chính. VD: rộng thênh thang tám thước
+Cụm động từ : có động từ làm thành tố chính. VD: học ngoại ngữ
+Cụm chủ -vị: Có cấu tạo hình thức giống câu đơn nhưng chỉ là một bộ phận của câu
b-Quy tắc cấu tạo đúng các thành phần trong kiểu câu đơn:
Câu đơn thường có hai thành phần chính C –V làm nòng cốt câu. Tuy nhiên câu đơn còn có những thành phần khác để cụ thể hóa nội dung câu, bày tỏ tình cảm hoặc thực hiện chức năng liên kết câu
- Câu đơn có hai thành phần chính.
- Câu đơn thêm thành phần liên kết:
VD: Sáng hôm nay, gió mùa Đông Bắc đã thổi vào miền bắc nước ta.
Trạng ngữ C Định ngữ V Bổ ngữ
- Câu đơn có thêm thành phần tình thái:
VD: Chao ôi, gió mùa đông bắc đã thổi vào nước ta.
- Câu có thêm thành phần phụ chú
VD: Gió mùa đông bắc – cái thứ gió mang đến giá rét - đã thổi vào nước ta.
c-Quy tắc cấu tạo đúng theo kiểu câu ghép:
Câu ghép là câu có từ hai vế trở lên, mỗi vế là một nòng cốt câu đơn, các vế đó có quan hệ với nhau nhưng có tính độc lập tương đối: Không về nào làm thành phần cho vế nào, giữa các vế câu dùng quan hệ từ. Các câu trong câu ghép có thể quan hệ đẳng lập hay chính phụ.
+ Câu ghép đẳng lập biểu hiện quan hệ liệt kê:
VD: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.
+ Câu ghép đẳng lập có quan hệ đối lập:
VD: Tôi đến chơi nhưng nó đi vắng.
+ Câu ghép đẳng lập có quan hệ lựa chọn:
VD : Tôi đi hay anh đi?
+ Câu ghép chính phụ có quan hệ nhân – quả:
VD: Vì thời tiết xấu nên chuyến bay bị huỷ bỏ.
+Câu ghép chính phụ có quan hệ giả thiết –hệ quả:
VD : Nếu tài liệu này hoàn thành, anh sẽ có cơ hội tham dự hội thảo.
+ Câu ghép chính phụ có quan hệ mục đích – sự kiện:
VD: Để mọi người hiểu rõ hơn, anh ta giải thích rất cặn kẽ.
+ Câu ghép chính phụ có quan hệ nhượng bộ – tăng tiến:
VD:Mặc dù thời tiết xấu, nhưng anh ấy vẫn lên đường.
2. Câu cần đúng về nội dung ý nghĩa:
a-Nội dung mà câu biểu hiện cần phản ánh đúng hiện thực, những câu biểu hiện sai hiện thực là câu sai.
b-Quan hệ ý nghĩa trong câu phải bảo đảm tính logic phù hợp với thực tế , quy luật thức, tư duy của con người
c-Quan hệ giữa nghĩa các bộ phận trong câu phải phù hợp với các phương tiện hình thức thể hiện quan hệ.
d-Nội dung các thành phần câu, các bộ phận câu phải có sự tương hợp về nghĩa (Trừ trường hợp chuyển nghĩa mang sắc thái tu từ):
VD:”Những tư tưởng xanh lục không màu ngủ một cách giận dữ”( câu vô nghĩa)
e-Về mặt ý nghĩa câu trong văn bản phải có thông tin mới, tránh những thông tin vô bổ
VD: “Nó nhìn tôi bằng mắt “(Vô bổ) nhưng nếu thêm “Nó nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ” thì hoàn toàn hợp lý.
3. Sử dụng dấu câu hợp lý:
Mỗi dấu câu có nhiệm vụ khác nhau trong câu
+Dấu chấm :sử dụng kết thúc câu trần thuật
+Dấu hỏi : đánh dấu kết thúc câu hỏi, có khi dùng ở giữa câu biểu thị sự nghi ngờ
+Dấu than :đánh dấu kết thúc câu cầu khiến, cảm thán, đôi khi dùng để biểu thị thái độ mỉa mai.
+Dấu hai chấm: Báo hiệu phần đi sau mang tính chất giải thích, hoặc lời trích dẫn
+Dấu ba chấm ( chấm lửng): Biểu thị sự liệt kê chưa hết, lời nói ngắt quãng, phần câu bị tỉnh lược.
+Dấu chấm phẩy: phân cách các phần, các ý tương đối độc lập ngang cấp nhau trong một câu dài có kết cấu phức tạp.
+Dấu phẩy: Ngăn cách các thành phần cùng loại, các vế của câu ghép, thành phần thứ yếu, biệt lập với chính của câu.
+Dấu gạch ngang: Phân tách thành phần chú thích, đặt trước lời đối thoại, các ý liệt kê (ở đầu dòng)
+Dấu ngoặc đơn: đóng khung phần chú thích hay bổ sung hoặc phần chỉ nguồn gốc, xuất xứ.
+Dấu ngoặc kép: đánh dấu lời trích trực tiếp, các từ ngữ được hiểu theo nghĩa khác
4. Câu cần có liên kết chặt chẽ với các câu khác trong văn bản:
Văn bản là một chỉnh thể thống nhất nên các câu không thể cô lập rời rạc mà có mối liên kết chặt chẽ. Sự liên kết thể hiện trên hai phương diện:
a-Liên kết nội dung:(còn quan niệm là mạch lạc)
Nội dung các câu phải tập trung vào một chủ đề chung của văn bản, mỗi câu phải duy trì và phát triển chủ đề, chủ đề giữa các câu phải có tính logic
b-Liên kết hình thức:
Các câu dùng các yếu tố ngôn ngữ nằm trong một số phép liên kết (Phép lặp, liên tưởng, thế, nối, tĩnh lược)