Rèn kỹ năng đọc diễn cảm
Thực tế nhiều học sinh không có kỹ năng đọc diễn cảm nhưng cứ cố đọc nên xảy ra tình trạng các em đọc nâng cao, hạ thấp hay nhấn giọng một cách tùy tiện khiến cho bài đọc nghe rất khó chịu. Muốn khắc phục tình trạng này thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh:
Ta thường hay nhấn giọng ở những từ ngữ gợi tả, gợi cảm (cũng có thể là những từ láy, từ ghép)
Cách đọc các kiểu câu: Câu kể, ở cuối câu có dấu chấm khi đọc thường xuống giọng ở cuối câu. Câu hỏi, ở cuối câu có dấu chấm hỏi, khi đọc ta phải lên giọng ở cuối câu. Câu kể có dấu chấm lửng, khi đọc phải kéo dài giọng. Câu cảm, cầu cầu khiến, ở cuối câu có dấu chấm than khi đọc cần phải lên giọng ở cuối câu.
Đọc diễn cảm còn đòi hỏi người đọc phải nắm chắc nội dung từng đoạn, từng bài, tâm tình và lời nói của từng nhân vật để diễn tả cho đúng tinh thần của câu văn, bài văn. Cho nên, mục đích đọc diễn cảm là bộc lộ ra được cái bản chất của nội dung và trên cơ sở đó muốn truyền đạt đúng những ý nghĩ và tình cảm của tác giả.
Muốn đọc diễn cảm tốt phải hiểu kỹ nội dung của bài tập đọc và phải truyền đạt tốt sự hiểu biết của mình tới người nghe. Học sinh đọc diễn cảm chưa tốt là có một phần nguyên nhân giáo viên chưa giúp học sinh cảm thụ tốt nội dung bài tập đọc.
Giúp học sinh hiểu rõ bài văn, bài thơ hoặc văn bản phải đọc là cái gốc để giúp học sinh đọc diễn cảm tốt hơn. Điều đó cho thấy việc đọc hiểu và phần đọc diễn cảm có quan hệ mật thiết với nhau. Học sinh có khả năng đọc hiểu tốt sẽ tạo điều kiện cho học sinh đó đọc diễn cảm tốt hơn.
Song học sinh có thể đọc diễn cảm tốt hơn nếu như học sinh được nghe cô giáo mình đọc hay, đọc truyền cảm. Giọng đọc hấp dẫn của cô chính là một thứ phương tiện trực quan có hiệu quả nhất giúp trò đọc tốt hơn.
Tích hợp rèn đọc qua những hoạt động khác
Ví dụ, khi ra một đề Toán, giáo viên yêu cầu học sinh phải đọc đúng thì mới hiểu được nội dung bài toán cho gì, hỏi gì. Hay các môn học như Khoa, Sử, Địa... khi học sinh đọc phát âm sai, đọc chưa đúng, đọc ngắc ngứ làm cho nội dung, ý nghĩa bài không liên kết bắt buộc giáo viên phải sửa cho các em để các em hiểu được nội dung bài....
Học đọc qua các hoạt động ngoại khóa: Qua các trò chơi hái hoa dân chủ nếu học sinh đọc sai, đọc chậm bắt buộc giáo viên phải hướng dẫn các em khắc phục tình trạng để kịp với tốc độ mà trò chơi yêu cầu.
Khi tham gia sinh hoạt chủ điểm, học sinh cũng phải nói to, nói rõ ràng, có sức truyền cảm thì mới hấp dẫn người nghe.