Trong tiếng Việt, cũng như các thứ tiếng đơn lập khác, nhiều khi xác định một tổ hợp hai tiếng nào đó là một từ hay hai từ là rất khó và đặc biệt là cũng không cần thiết. Ví dụ, với học sinh lớp Hai, lớp Ba và nhiều lúc cả với học sinh lớp Bốn, lớp Năm việc xác định đống rơm, con chim, dòng sông là một từ hay hai từ không cần thiết, vì với tư cách là đơn vị nào, chúng cũng đều mang một nghĩa như nhau. Vì vậy, tranh cãi về việc chúng là một từ hay hai từ không có mấy lợi ích.
Nhưng nhiều lúc, phân cắt ranh giới từ (tức là tách câu ra thành từ) là một việc làm rất quan trọng. Nhiều khi không tách được các từ ở trong câu, ta sẽ không hiểu người nói muốn nói gì, tách từ khác nhau sẽ đem lại những cách hiểu khác nhau. Ví dụ, nếu tách câu “Bún chả ngon” thành ba từ “Bún/ chả/ ngon” thì câu này nhận xét rằng bún không ngon, nếu tách thành hai từ “Bún chả /ngon” thì với câu này người nói đánh giá bún chả là một món ăn ngon. Phân cắt ranh giới từ được xem là quan trọng khi mà việc phân cắt khác nhau tạo ra những cách hiểu khác nhau. Đó là những trường hợp có chứa hiện tượng đồng âm. Ví dụ, mái nhà có hiện tượng đồng âm, nó là hai từ khi chỉ phần trên của nhà như trong câu “Mái nhà có mấy chỗ bị dột” và là một từ khi chỉ cả ngôi nhà như trong câu “Ở đó dân cư thưa thớt, chỉ lác đác có mấy mái nhà” ; xe đạp là một từ khi chỉ một loại xe như trong câu “Nó đã mua một chiếc xe đạp rất đẹp” và hai từ khi nói về việc đạp (sử dụng) chiếc xe đó như trong câu “Xe đạp nặng quá, khó đi lắm, phải tra dầu vào”. Xác định bút vẽ là một từ hay hai từ sẽ làm cho câu “Nó cầm bút vẽ lên tay” được hiểu theo hai cách − cầm cây cọ vẽ hay là cầm chiếc bút để vẽ lên tay.
Trên thực tế, ít có bài tập yêu cầu các em tách câu thành từ nhưng để tìm được các từ đơn, từ ghép, từ láy, để tìm được các danh từ, động từ, tính từ,... ở trong câu, trước hết các em cần phải tách câu ra thành từ cho đúng. Ví dụ, do tách từ sai, cho rằng quả xôi, bánh chưng, bánh giầy là hai từ nên nhiều bạn đã không tìm được các từ ghép trong hai câu thơ : Dân dâng một quả xôi đầy / Bánh chưng mấy cặp, bánh giầy mấy đôi (Qua Thậm Thình − Nguyễn Bùi Vợi) ; do nhầm xoài biếc, cam vàng, dừa nghiêng, cau thẳng là một từ nên nhiều bạn đã tìm thiếu các tính từ biếc, vàng, nghiêng, thẳng khi giải bài tập tìm các tính từ trong hai câu thơ Xum xuê xoài biếc, cam vàng / Dừa nghiêng, cau thẳng, hàng hàng nắng soi (Việt Nam − Lê Anh Xuân).
Trong Chương trình Tiểu học của các em, phần lí thuyết không nêu thế nào là một từ, mặc dù ngay từ lớp Một, các em đã được làm các bài tập tìm từ chứa tiếng có âm, có vần cho trước. Bằng trực cảm, các em đã nhận ra “từ”. Với nhiều trường hợp, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra từ ở trong câu. Đó là các từ láy, ví dụ : long lanh, xinh xắn, chúng chứa tiếng không có nghĩa nên ta không bị nhầm đó là hai từ. Đó là trường hợp từ ghép chứa một tiếng không có nghĩa như xanh lè, đỏ ối, thẳng tắp,... Đó là các từ ghép Hán Việt kiểu như : chính quyền, học sinh, giáo viên,... mỗi tiếng đều có nghĩa nhưng không thể đứng độc lập để tạo từ. Đó là những từ ghép tổng hợp nhưcơm nước, nhà cửa, thuyền bè, quần áo,... nếu là hai từ thì giữa hai tiếng phải có dấu phẩy vì chúng có quan hệ đẳng lập. Nhưng có nhiều tổ hợp hai tiếng rất khó xác định là một từ hay hai từ. Vì vậy, nếu đưa ra một câu bất kì, chúng ta sẽ khó tách ra được rạch ròi thành các từ cho tất cả các trường hợp. Đó là trường hợp hai tiếng đứng cạnh nhau có quan hệ chính phụ. Đây là trường hợp khó nhất khi xác định là một từ hay hai từ trong tiếng Việt. Để xác định được hai tiếng nào đó là một từ hay hai từ, chúng ta có hai mẹo sau :
− Thử thêm vào giữa hai tiếng đã cho một từ nào đó.
Nếu giữa hai tiếng đã cho có thể thêm một từ nào đó vào giữa mà nghĩa của chúng không thay đổi, tức là có thể thêm được, thì ta kết luận hai tiếng đã cho là một từ. Ngược lại, nếu giữa hai tiếng đã cho ta thêm một từ nào đó vào giữa sẽ làm cho nghĩa của chúng thay đổi hoặc mất nghĩa, tức là không thể thêm được, thì ta kết luận hai tiếng đã cho là hai từ. Ví dụ, ta xét hai tiếngcánh gà trong hai câu sau :
(1) Toàn rất thích ăn đầu gà, cánh gà.
(2) Một chị đứng lấp ló sau cánh gà để xem Hồng biểu diễn.
Cánh gà ở câu thứ nhất nói về một bộ phận của con gà nên nó có thể thêm “của” để thành “cánh của gà”, cánh gà lúc này là hai từ. Cánh gà ở câu thứ hai chỉ hai bên màn sân khấu, lúc này nó có cấu tạo chặt chẽ. Không thể thêm yếu tố nào vào giữa “cánh” và “gà”, không thể nói “đứng sau cánh của gà để xem biểu diễn” vì vậy cánh gà lúc này là một từ.
− Thử xét xem hai tiếng đã cho có hiện tượng chuyển nghĩa hay không. Nếu mỗi tiếng vẫn còn nguyên nghĩa gốc thì hai tiếng đã cho là hai từ. Nếu có hiện tượng chuyển nghĩa thì hai tiếng đã cho là một từ.
Chẳng hạn trong ví dụ đưa ra ở trên, hai tiếng cánh gà ở câu thứ hai đã chuyển nghĩa, nó chỉ hai bên màn sân khấu nên cánh gà lúc này là một từ. Cách làm này sẽ giúp cho các em phát hiện ra các từ ghép mang nghĩa chuyển như : tai hồng (không phải cái tai của quả hồng mà chỉ cái ốc xe), chân vịt (không phải chân của con vịt mà là một bộ phận của tàu thuỷ), đầu ruồi (không phải là đầu của con ruồi mà là một bộ phận của súng), tai voi (không phải tai của con voi mà là tên của một loại quạt máy), lá sen (không phải lá của cây sen mà là tên của một loại cổ áo),...
Bài tập về khái niệm từ, phân cắt ranh giới từ thường có hai dạng sau :
- Xác định một tổ hợp hai tiếng nào đó là một từ hay hai từ
Với dạng bài tập này, đề bài thú vị là những trường hợp chứa hiện tượng đồng âm.
Ví dụ : Trong mỗi cặp câu sau, bộ phận in đậm trong câu nào là một từ? Vì sao?
a1. Cánh én dài hơn cánh chim sẻ.
a2. Mùa xuân đến, những cánh én lại bay về.
b1. Tay người có ngón dài ngón ngắn.
b2. Những vùng đất hoang đang chờ tay người đến khai phá.
c1. Cái xe đạp này nặng quá, tôi vác không nổi.
c2. Xe đạp nặng quá, phải tra dầu vào mới đi được.
Trong mỗi cặp câu trên, cánh én ở câu a2 (chỉ cả con én), tay người ở câu b2 (chỉ con người), xe đạp ở câu c1 (chỉ một loại xe) có hiện tượng chuyển nghĩa, chúng là một từ. Các từ này trong các câu còn lại là hai từ.
- Ghép các tiếng đã cho để tạo từ
Ví dụ : Cho 3 tiếng thân, thương, mến, hãy tạo thành các từ có hai tiếng.
Các đề thuộc dạng bài tập này sẽ thú vị khi các tiếng có khả năng tạo từ lớn nên các em cần lưu ý để không bỏ sót từ. Về lí thuyết, với số lượng tiếng là n (n>1), khả năng kết hợp để tạo số lượng từ hai tiếng tối đa sẽ là n (n−1). Ví dụ, với 3 tiếng sẽ có tối đa là 6 tổ hợp, nhiều nhất sẽ có 6 từ. Với 4 tiếng, sẽ có nhiều nhất 12 tổ hợp, nhiều nhất sẽ tạo được 12 từ. Chẳng hạn, với bài tập trên, ta đã tạo được tối đa 6 từ. Đó là các từ : thân thương, thân mến, thương thân (tự thương mình), thương mến, mến thương, mến thân. Để làm những bài tập dạng này, các em đưa ra tất cả các khả năng ghép đôi và xét xem khả năng nào tạo thành từ thì ghi lại. Như vậy, các em lại cần có vốn từ để biết hai tiếng nào đó có phải là từ hay không. Ví dụ, với bài tập trên các em chú ý để không bỏ sót từ thương thân, thân lúc này không mang nghĩa động từ mà mang nghĩa danh từ, có nghĩa là bản thân mình.
(GS.Lê Phương Nga)