Mùa
tựu trường năm nay khác biệt so với mọi năm bởi sự tác động và ảnh
hưởng của đại dịch COVID-19. Vậy các bậc cha mẹ nên chuẩn bị tâm lý cho
con em mình thế nào khi bước vào năm học mới?
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi đi học trở lại
Cha
mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường
sau kỳ nghỉ hè và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Nhìn
chung trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập vui chơi giao lưu
cùng bè bạn. Tuy nhiên cũng có một số trẻ tỏ ra hẫng hụt sau kỳ nghỉ hè.
Chúng
ta cần trò chuyện với con về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt,
sắp xếp sách vở, góc học tập, những dự định kế hoạch học tập của con sẽ
diễn ra như thế nào. Chúng ta cũng cần nói với con về việc lần này quay
trở lại trường học, con vẫn cần lưu ý về việc giãn cách xã hội để đảm
bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Song
cha mẹ cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng
mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức chúng ta bảo vệ
chính bản thân và những người xung quanh như việc con đeo khẩu trang hay
rửa tay thường xuyên…
Đối
với một số trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi khóc quấy không chịu đi học,
cha mẹ cần kiên trì bình tĩnh và coi đó là vấn đề hoàn toàn bình thường
vì sau một thời gian nghỉ hè, trẻ quen với việc được ở nhà với cha mẹ,
cha mẹ chấp nhận và dần dần mỗi hôm một chút, trò chuyện thủ thỉ với con
về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô, những việc con
thích làm ở trường là gì…. hướng sự chú ý của con vào những việc con
hứng thú nhất. Cũng có thể nói với con về những hoạt động giải trí cùng
gia đình hay những hoạt động con yêu thích trong thời gian nghỉ vừa qua
vẫn tiếp tục được diễn ra vào buổi tối hay cuối tuần.
Cha
mẹ cũng cần theo dõi và quan sát những biểu hiện của các con những ngày
mới đến trường. Có một số trẻ thể hiện sự lo lắng và nói ra được rằng
mình lo lắng cho người khác biết nhưng một số trẻ lại không nói ra mà
biểu hiện bằng hành vi bồn chồn, nghịch ngợm, khó bảo, bướng bỉnh hơn
hay có một số trẻ có những biểu hiện nhi hóa như kiểu em bé chẳng hạn
như mút tay, bám mẹ, thậm chí xuất hiện đái dầm… Trong trường hợp này,
cha mẹ nên bình tĩnh không tỏ ra căng thẳng sốt ruột, thậm chí biểu hiện
quá lo lắng. Mặt khác, cũng không nên la mắng, quát nạt con.
Trang bị kỹ năng cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Huấn
luyện cho trẻ những kỹ năng bảo vệ an toàn khi đi học trở lại. Ghi nhớ
đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và đến nơi công cộng, không tay đưa lên
mặt, rửa tay thật kỹ và thường xuyên.
Cha
mẹ nên hướng dẫn con một số kỹ năng để bình thường hóa và đơn giản hóa
mọi vấn đề, suy nghĩ tích cực, có thể hướng dẫn con tự nhủ: “Ồ không
phải chỉ có mình mà các bạn khác cũng quay trở lại trường và học tập”.
Hay “Mình sẽ an toàn nếu tuân thủ tốt các biện pháp phòng chống dịch,
mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi,”. Điều quan trọng cha mẹ cần để trẻ hiểu
rằng trẻ không đơn độc và luôn có cha mẹ ở bên cạnh”.
Các
bậc phụ huynh, các em học sinh phải chủ động khai báo nếu con có các
biểu hiện ho, sốt, khó thở và chủ động cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm
hoặc có các biểu hiện bệnh đường hô hấp.
Đối
với các lớp học, nếu thời tiết mát mẻ chúng ta nên mở cửa, để thông gió
vào trong phòng học, điều đó rất tốt cho phòng chống dịch COVID-19.
Khi
trẻ đến trường cần phải đảm bảo môi trường sạch sẽ, giảm bớt vấn đề về
tiếp xúc trên bề mặt ở trong phòng, nơi sinh hoạt của các em phải được
tiệt trùng, lau chùi sạch sẽ.
Thường
xuyên vệ sinh các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà, ở trường,
lớp hoặc những vị trí hay tiếp xúc, chạm vào như tay nắm cửa, bề mặt…
bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn.
Các gia đình và nhà trường cần chuẩn bị, bố trí vị trí rửa tay, xà phòng, khăn lau dùng 1 lần cho trẻ.
Trước
khi vào trường, lớp học thì giáo viên cũng nên hỏi phụ huynh về tình
hình sức khỏe của trẻ trong thời gian qua. Nếu trẻ có biểu hiện ốm, hắt
hơi, sổ mũi, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bệnh để giảm bớt những nguy
cơ lây nhiễm không chỉ là COVID-19 mà còn bệnh lý khác.
Dù
ở trường hay ở nhà, người lớn cũng nên cho trẻ uống đầy đủ nước, ăn
uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên hoạt động
thể lực để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tăng cường thể trạng chống
lại bệnh tật.
Nguồn: Bộ y tế