Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn tò he “biến” thứ bột nặn vô tri vô giác thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu.
Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là "đồ chơi chim cò". Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn.
Không chỉ là một thứ đồ chơi dân gian mang đậm hồn dân tộc; tò he từ lâu đã được xem như những tác phẩm nghệ thuật và có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống này đang dần mai một, vì vậy, cần có biện pháp tích cực để bảo tồn và lưu giữ, để tò he luôn là nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.
Với mong muốn mang các nghề truyền thống đến gần hơn với trẻ, ngày 29/01/2024 BGH trường Tiểu học Kim Giang đã tổ chức hoạt động trải nghiệm cách nặn tò he với nghệ nhân nặn tò he cho các học sinh. Các em được trò truyện, giao lưu cùng nghệ nhân để hiểu về nguồn gốc, đặc trưng của nghề, biết cách làm sao để nặn tò he được đẹp nhất. Hoạt động nhằm đem lại những kiến thức thú vị, bổ ích và không khí vui vẻ hào hứng sổi nổi chào mừng “Xuân Giáp Thìn 2024”.
Các em đã được thỏa sức sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng phong phú của bản thân khi trải nghiệm cách nặn tò he. Những đôi tay nhỏ bé khéo léo đã tạo ra các sản phẩm vô cùng ngộ nghĩnh, đáng yêu như: các con vật quen thuộc, những nhân vật gần gũi với bé trong phim ảnh, những bông hoa đầy màu sắc…
Bạn nhỏ nào cũng vui sướng, phấn khởi khi được cầm những sản phẩm tò he do chính đôi tay xinh xắn của mình tự làm.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi hoạt động trải nghiệm: