1.Bạn hiểu thế nào là ngộ độc thực phẩm?
Ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc thức ăn là các triệu chứng bệnh lý xuất hiện sau khi chúng ta ăn, uống phải những loại thức ăn đã bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm độc, thức ăn có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia… Người bị ngộ độc thực phẩm thường có những biểu hiện như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, đau bụng, đi ngoài, sốt… Ngộ độc thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe, nếu nghiêm trọng và không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
2.Nguyên nhân và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc
Các loài vi khuẩn, vi sinh vật xuất hiện ở khắp nơi trong môi trường mà bằng mắt thường chúng ta không thể quan sát thấy. Ngoài những vi sinh vật có lợi còn có rất nhiều vi sinh vật gây bệnh cho con người. Một trong số những con đường mà chúng gây hại cho con người chính là qua các loại thức ăn.
Nếu thức ăn bảo quản không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại sinh sôi nhanh chóng. Bạn sẽ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải những thức ăn nhiễm khuẩn này.
Cách phòng tránh: chọn các loại thực phẩm sạch, thực hiện ăn chín uống sôi, không để các loại thức ăn sống chín lẫn lộn, thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay và phải được bảo quản đúng cách, luôn giữ tay sạch sẽ trong quá trình chế biến thực phẩm…
Ngộ độc thực phẩm do thực phẩm bị nhiễm các chất hóa học độc hại:
Thức ăn tươi sống hàng ngày có thể bị nhiễm các chất hóa học như
- Các kim loại nặng: thường gặp ở những thực phẩm đóng hộp hay thực phẩm được chế biến từ các sản phẩm được nuôi trồng ở nơi bị nhiễm kim loại nặng ( các kim loại thường gây ô nhiễm như : chì, đồng, thủy ngân,…)
- Thuốc bảo vệ thực vật: do chúng ta ăn phải các loại rau xanh, hoa quả có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá cao.
- Các loại thuốc thú ý: việc sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh… một cách không khoa học cũng là nguyên nhân làm gây ngộ độc thực phẩm.
- Các loại phụ gia thực phẩm: thường là các loại chất bảo quản thực phẩm giúp chúng tươi lâu hơn, giữ được lâu hơn.hoặc các loại phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
- Do thực phẩm nhiễm các chất phóng xạ
Cách phòng tránh: mặc dù các dấu hiệu nhận biết dạng ngộ độc này rất phức tạp , khó đánh giá, khó phát hiện bằng mắt thường nên biện pháp tốt nhất để phòng tránh là mua các loại thức ăn hàng ngày có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến sản phẩm thực phẩm đó…
Ngộ độc thực phẩm do trong nguyên liệu có chứa sẵn độc tố:
Bản thân các loại rau, củ, quả tươi có sẵn độc tố. Chúng ta có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải các loại như: khoai tây mọc mầm, cá nóc chế biến không đúng cách,mật cá trắm, nấm, khoai tây mọc mầm, một số loại đậu, sắn, lá ngón…
Cách phòng tránh: tìm hiểu kỹ các loại thực phẩm có chứa sẵn độc tố đã được khuyến cáo để không sử dụng phải chúng.
Ngộ độc thực phẩm do ăn phải các thức ăn bị biến chất, ôi thiu:
Một số loại thực phẩm khi để lâu sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn và ôi thiu thường phát sinh ra các loại chất độc như : hợp chất amin sinh ra trong thức ăn nhiều đạm ( thịt, cá, trứng…) hay các peroxit có trong dầu mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần, các chất amoniac ….chúng là các chất độc hại cho cơ thể. Đặc biệt các chất độc này thường không bị phá hủy hay giảm khả năng gây độc khi được đun nấu ở nhiệt độ cao.
Cách phòng tránh: Không sử dụng thức ăn đã để lâu ngày, hết hạn sử dụng hay bảo quản không đúng cách, các thực phẩm có dấu hiệu thay đổi về màu sắc, hương vị, hình dáng….
3. Các dạng ngộ độc và cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm được chia làm 2 dạng là ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính.
Ngộ độc cấp tính phát tác ngay sau khi chúng ta ăn với các biểu hiện như đau bụng, đi ngoài,hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn…
Ngộ độc mãn tính không có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết và không phát tác ngay sau khi ăn. Các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể bạn và gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, lâu dài sẽ dẫn đến bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Khi có biểu hiện ngộ độc cấp tính, chúng ta cần đẩy chất độc ra ngoài bằng cách nôn, bổ sung nước kịp thời. Sau khi sơ cứu nếu tình trạng không thuyên giảm cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Để tránh những bệnh tật do ngộ độc thực phẩm mãn tính gây ra, chúng ta cần chú ý trong khâu lựa chọn và chế biến thực phẩm. Chọn thực phẩm còn mới, tươi và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sơ chế sạch trước khi chế biến bằng cách ngâm nước muối để loại bỏ bớt độc tố trong các loại rau củ…thực hiện các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trang bị kiến thức về ngộ độc thực phẩm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và giúp cho bạn có những ngày hè vui vẻ, thoải mái mà không lo ngộ độc thực phẩm.