Bước sang năm học mới, trường tiểu học Kim Giang chính thức tiến hành xây dựng lại trường, thay mới hệ thống cơ sở vật chất. Toàn bộ thầy cô và các em học sinh chuyển tạm sang tòa nhà của trường cấp hai liền kề và đi cổng ba để vào lớp học. Cũng từ cánh cổng ba nhỏ bé ấy, không khó để bắt gặp hình ảnh bác lao công đứng tuổi, dáng người gầy hàng ngày cần mẫn quét dọn, tưới cây, thậm chí, kiêm luôn nhiệm vụ đón từng đứa trẻ từ cha mẹ chúng, vì bác sợ cổng trường nhỏ, sân trong bé, sợ các em học sinh nghịch ngợm chạy nhảy mà bị thương.
Bác tên là Vũ Thị Nhạn, năm nay 46 tuổi,bác hiện đang cùng gia đình sống nhờ tại căn hộ phòng 502- A3- Tập thể Kim Giang – ngõ 80- đường Hoàng Đạo Thành- phường Kim Giang – quận Thanh Xuân- thành phố Hà Nội, hiện làm lao công phụ trách vệ sinh của toàn trường, bác đã làm công việc này được hơn chục năm. Bác cũng có một đứa con trai đang theo học tại chính mái trường Kim Giang và bằng tấm lòng của người mẹ, bác coi tất cả học sinh như con mình mà chăm sóc, để ý. Các em học sinh cũng rất yêu quí bác, hễ nhìn thấy bóng dáng bác chúng lại hét lên: “Bác Nhạn, bác Nhạn,…” đầy vui vẻ. Còn bác, dù lúc ấy có bận việc, vẫn ngước về phía tiếng hô mà mỉm cười hiền hậu, nụ cười làm bừng sáng cả khuôn mặt.
Các thầy cô giáo trong trường cũng đều dành cho bác một tình cảm rất lớn. Khi gặp bất cứ vấn đề gì hay việc gì cần giúp đỡ, những tiếng gọi “chị Nhạn ơi…”, “cô Nhạn ơi….” lại vang lên. Bác Nhạn giúp đỡ từng thầy cô giáo một, giúp một cách tỉ mỉ và trách nhiệm như thể đó mới là nhiệm vụ của mình vậy. Thậm chí vào những ngày phải tiến hành chuyển lớp hay tổng vệ sinh cuối tuần, nhiều cô giáo không thể tới do con nhỏ, về quê, nhà quá xa,… bác Nhạn đều gọi báo không cần sang, để bác làm. Thế nên chẳng còn ai xa lạ với hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé đạp chiếc xe đạp màu xanh cũ đến trường cả trong ngày nghỉ hiếm hoi để hỗ trợ thầy cô giáo. Bác đến trường sớm nhất, không chỉ để hoàn thành công việc của mình, mà còn để đón học sinh cùng bác bảo vệ và giáo viên chủ nhiệm. Bác về nhà trễ nhất, khi cháu học sinh cuối cùng cha mẹ đón muộn về nhà an toàn, khi các phòng học đã tắt đèn, khóa cửa cẩn thận, khi sân trường sạch bóng rác. Mọi người đều cảm động trước tấm lòng của bác, các cô giáo trẻ đùa rằng bác như mẹ cháu, vì con mà làm tất cả. Những lúc ấy, nụ cười của bác lại xuất hiện, bác bảo bác không thông minh, chỉ được cái khỏe chân tay nên chỉ làm lao công, còn các cô giáo giỏi bác quý lắm, các cô còn đang dạy cho biết bao nhiêu thế hệ học sinh, có việc gì mà bac làm được, cứ để bác làm. Bác chẳng biết các thầy cô trong trường coi trọng bác đến nhường nào và bác to lớn đến mức nào trong trái tim họ.
Hết mình với công việc, bác Nhạn còn có tấm lòng rộng lớn. Mặc dù gia cảnh của chính bản thân cũng còn nhiều khó khăn, nhưng hễ trường có đợt ủng hộ nào, bác đều tham gia đầu tiên và cũng ủng hộ một ngày lương như bao giáo viên khác. Với những phong trào ủng hộ của học sinh, bác khuyến khích con trai mình hết lòng vì những người còn khó khăn hơn mình trong xã hội, tự đập lợn đất lấy tiền ủng hộ. Mặc dù các thầy cô – người hiểu rõ nhất khó khăn của gia đình bác nhiều lần khuyên bác không cần làm vậy vì bản thân bác cũng đang cần giúp đỡ, nhưng bác chỉ bảo : “Lá lành thì đùm lá rách, lá rách thì đùm lá tả tơi, mình khó khăn chưa là gì so với nhiều người khác, chí ít mình có tiền đong gạo, cho con đi học, mua cho con nhiều thứ, còn họ, sống qua ngày còn là một gian nan lớn, họ cần mình, lẽ nào mình lại không giúp”. Bác tự nhận bác ít học, nhưng suy nghĩ của bác luôn sâu sắc hơn bất kì ai. Hơn cả thế, khi bản thân cũng nhận được quà hỗ trợ, bác lại mang nó chia bớt cho những người hàng xóm nghèo nàn. Còn có mấy ai được như bác Nhạn trong cuộc đời này.
Hôm nay lại hết một ngày học, tiếng trống tùng tùng tùng vang lên mạnh mẽ, các em học sinh ùa ra cổng chờ bố mẹ đón. Chúng vôi vàng thế nhưng chưa bao giờ quên kiếm tìm bác Nhạn để chào, để hẹn mai lại gặp bác. Còn bác Nhạn nhìn chúng rạng rỡ, tay lại tất bật với khăn với chổi, chuẩn bị đi dọn vệ sinh các lớp, quét tước sân trường, phục hồi dáng vẻ sạch sẽ, thông thoáng cho trường, cho lớp học, để mai chúng lại sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình. Hình ảnh đầy thân thuộc ấy gắn bó với biết bao thế hệ học sinh. Mai sau chúng rời trường, những điều chúng nhớ về tiểu học Kim Giang ngoài thầy cô, ngoài bè bạn, chắc chắn còn có thêm bác Nhạn – bác lao công nhân hậu chăm chỉ đáng mến.