Người mà tôi viết đến trong bài là bà giáo Nga, tên thân thuộc mà mọi người thường hay kể đến là bà Nga “béo”. Bà có thân hình to béo, mái tóc “phi –dê” hung hung vàng và một nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt thoáng nhìn đã hiện lên nét khắc khổ. Bà nguyên là giáo viên dạy văn ở trường THCS Phan Đình Giót, bà về hưu năm 2008 và là giáo viên của trường PT Dân lập Lương Thế Vinh đến nay. Hiện bà đang sống cùng vợ chồng con trai ở số nhà 208 phố Quan Nhân – phường Nhân Chính- quận Thanh Xuân- Hà Nôi. Nếu có dịp đến khu bà ở, nhắc đến bà Nga “béo”, chắc cư dân nơi đây mà mọi người vẫn gọi là xóm Bồ Đề chắc hẳn không ai là không cất lời ca ngợi bà. Bà là chị cả trong một gia đình có năm chị em. Vậy mà bà lập gia đình muộn nhất, các anh em của bà lấy vợ gả chồng có con rồi mà mãi đến năm 30 tuổi bà mới chịu lên xe hoa. Có lẽ đúng là số phận của bà trắc trở chuyện chồng con, bà phải đau đớn thêm hai lần sảy thai khi thai nhi được khoảng 7 tháng tuổi. Có lần bà kể với tôi rằng, đẻ ra tóc chúng nó đen nhánh, đều là con trai, thằng thì đẻ ra đã chết, thằng thì thoi thóp sống được hai tiếng đồng hồ rồi đi. Lúc đấy bà cạn nước mắt và còn chẳng thiết sống nữa. May mắn sao ông trời thương bà, đến lần thứ ba thì bà sinh được một cậu con trai kháu khình,đẹp đẽ như Tây và lần sau đó lại được thêm một cô con gái bụ bẫm, tròn trịa nữa. Chồng bà hơn bà 3 tuổi, là một người đàn ông hiền lành, chịu khó nhưng lại không thành công trong sự nghiệp. Một tay bà đi làm kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con và phải sống với sự khắc nghiệt của bà mẹ chồng khó tính. Câu chuyện sẽ không phải là đặc biệt khi một ngày chồng bà bị tai biến mạch máu não. Thời điểm ông mắc bệnh là vào năm 1999, do uống rượu và lối sống buông thả mà huyết áp cao ông không biết, lúc đưa đến viện thì ông đã bị méo miệng và liệt nửa người bên phải. Một thời gian chăm sóc và do có sức khỏe nên bệnh tình của ông đã đỡ được 80 %. Nhưng từ đó thì ông cũng không làm thêm được việc gì mà cả gia đình đều phải tập trung vào để lo thuốc thang cho ông. Đáng buồn hơn là sau lần mắc bệnh đó, ông lại không biết giữ mình và không cai hẳn rượu bia nên ba năm sau ông lại bị tai biến lần hai. Lần này nó quật ông không nói được do liệt dây thần kinh vùng miệng, đầu óc cũng kém minh mẫn và không làm chủ được hành vi của bản thân. Ông vẫn đi lại tốt nhưng tay phải hơi bị khoèo , nói ú ớ không tròn tiếng và bộ não không còn tỉnh táo mà nếu nói thẳng ra là có những lúc bị điên. Ngày ấy các con của bà chưa lớn hẳn, vẫn còn phải đi học phổ thông nên chưa giúp gì cho bà nhiều. Bà vẫn cần mẫn đi làm, vẫn chắt chiu để nuôi gia đình. Ai cũng thương bà vất vả, giờ lại còn hầu thêm chồng ốm đau. Có người bảo “giả dụ ông ý bị liệt nằm một chỗ có khi bà ấy còn đỡ khổ .” Nghe có vẻ là ác ý nhưng sự thật quả là như vậy. Có trưa mùa đông lạnh buốt đi làm về, chồng bà đi vệ sinh nặng chảy từ trên gác xuống dưới , đã thế còn đi lại làm vương vãi khắp nhà. Một tay bà lại kéo ông vào trong buồng vệ sinh thay rửa sạch sẽ rồi lặng lẽ đi lau các vết mà ông dây ra. Có những đêm đang ngủ, ông bật dậy cởi quần đi tiểu luôn ra nhà. Bà lại lọ mọ dậy thay rửa dọn dẹp. Vậy mà hàng xóm chắng ai thấy bà kêu ca phàn nàn điều gì, bà vẫn luôn tham gia đầy đủ các hoạt động trong khu phố và luôn vui vẻ với mọi người. Bà bảo :” Số phận thế rồi, có kêu ca cũng thay đổi được gì đâu. Cờ đến tay ai thì người đó phất thôi.” Cuộc sống cứ thế trôi đi, bệnh của ông không thuyên giảm mà có phần tăng lên. Đỉnh điểm là một thời gian ông suốt ngày chửi bà rồi đánh bà. Có lần ông còn đi bộ đến tận trường bà đợi bà về để chửi bới. Người ta bảo “ yếu trâu còn hơn khỏe bò”, ông tuy ốm đau nhưng lúc cơn lên lại đánh rất đau, có lần còn làm bà thâm tím cả mắt. Con gái bà có lần chạy ra giành lại thanh nhựa nẹp điện mà ông đang cầm định vụt vào bà, không may bị ông phi thẳng vào suýt nữa hỏng một bên mắt. Nghĩ đến tội lắm, nhà bà thời gian ấy lúc nào cũng trong không khí căng thẳng. Ông luôn mồm chửi, bảo bà đi với thằng nọ thằng kia., cứ liên tục lặp lại như vậy. Bà đau lòng lắm, khóc suốt nhưng vẫn luôn dạy các con rằng :” Số phận bố bắt bố như vậy chứ ông ý cũng không muốn thế. Các con phải thương bố mà chăm sóc báo hiếu cho ông ấy.”
Thấy hiện tượng của ông bất bình thường, bà đưa ông ra trạm y tế hỏi thì họ cho biết ông bị loạn thần tuổi già, hay còn gọi là bệnh hoang tưởng, rồi họ cho thuốc uống. Uống thuốc vào ông ngủ nhiều lắm, lúc nào thức thì cũng trong tình trạng lờ đờ rồi chảy dãi, mệt mỏi. Họ bảo uống thuốc thần kinh vào nên đầu óc bị mụ mị, nó làm ông ngủ nhiều hơn và quên đi những kí ức linh tinh trong đầu. Cũng từ đó, ông càng không làm chủ được bản thân, vệ sinh tự nhiên, bắt đầu không ăn được cơm mà phải nấu cháo hoặc cơm xay như của trẻ nhỏ. Một năm sau thì ông ra đi. Bà vẫn lo toan công việc gia đình và là người con dâu trưởng đảm đang, thay chồng chăm lo giỗ tết và các công việc bên nhà chồng chu đáo. Phải viết thêm ra điều này chúng ta mới thấy khâm phục con người như bà.. Nhà chồng bà có 6 anh chị em nhưng từ trước đến nay họ đều ít quan tâm đến bà và con bà. Ngày xưa khi bà còn ở với bố mẹ chồng thì thỉnh thoảng họ còn xuống nhà thăm các cụ, Nhưng từ ngày bố mẹ chông bà mất đi thì họ cũng ít đến hẳn, một năm chỉ xuống vào ngày tết và các ngày giỗ, ngay cả chồng bà ốm đau vậy họ cũng không để ý mấy. Mà giỗ chạp họ cũng không tham gia mà để tự một tay bà lo liệu bởi họ quan niệm bà là dâu trưởng thì bà phải có nghĩa vụ. Bà vẫn luôn vui vẻ và không mảy may suy nghĩ đến trách nhiệm của họ. Bên nhà chồng bà ba đời nay các mộ đều quy tụ lại một chỗ ngoài nghĩa trang, nhưng do từ xưa nên các ngôi mộ cuả các cụ đều rất cũ kĩ, có ngôi còn lở hết cả xi măng trông rất ọp ẹp. Vì chồng bà vừa mất, bà muốn xây mộ tử tế cho ông, thấy xung quanh mộ các cụ cũng sơ sài nên đưa ra ý kiến muốn anh em trong gia đình nhà chồng chung tay xây lại mộ cho các cụ. Ý kiến rất hay được đưa ra nhưng khi tính toán đến số tiền cần làm thì mọi người đều im lặng. Hai bác con gái có kinh tế rất khá giả thì không nói gì, 3 chú em chồng cũng ngồi nhìn nhau. Thấy vậy bà quyết định để một mình bà lo liệu chuyện này. Và với sự giúp đỡ của các con, bà đã xây mới được 7 ngôi mộ, trong đó có mộ chồng bà đều được tươm tất. Làm xong việc lớn đó bà vui lắm. Có lẽ các cụ cũng nhìn thấu được tâm can bà mà phù hộ cho bà con cái phương trưởng, ngoan ngoãn tử tế, con cháu đầy đàn.
Giờ đây bà luôn tự hào nói rằng : “ Mình hãy sống bằng cái tâm mình, với ai cũng thế cho dù đó là người còn sống hay người đã chết. Hạnh phúc đâu phải là gì cao sang. Cuộc đời tôi như vậy ai nhìn vào cũng bảo khổ, đúng là tôi có khổ một chút về thân xác, nhưng tâm tôi lại hạnh phúc vô cùng. Sống từng này tuổi, trải qua bao biến động trong cuộc đời, với tôi hạnh phúc giản dị lắm. Nó chỉ đơn giản là nụ cười của các con, được trông cháu nội, cháu ngoại mỗi khi bố mẹ chúng nó nhờ vả, được mọi người tin yêu và luôn nhớ tới Nga “béo” mỗi khi cần...”. Rồi bà cười, để lộ những nếp nhăn trên khuôn mặt bà ngày một nhiều hơn . Nụ cười của bà tuy khắc khổ nhưng luôn ánh lên sự vô tư không toan tính. Và tôi thiết nghĩ, chúng ta cần phải học tập nghị lực phi thường và sự vô tư lạc quan của bà.Nếu hoàn cảnh của bà rơi vào người khác, có khi họ đã chán nản mà có những suy nghĩ tiêu cực. Và chắc chắn rằng trong cuộc sống này còn có rất nhiều mảnh đời bất hạnh hơn nhưng dù gì đi nữa hãy luôn học tập tấm gương của bà, sống tốt để tim mình thanh thản .Và như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói :” Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để gió cuốn đi...”.