Diện mạo đô thị ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Dáng dấp của một đô thị hiện đại đang hiện hữu với sự hình thành của khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính; các tòa nhà cao tầng và hàng loạt khu chung cư cao cấp như: Hapulico (số 1 Nguyễn Huy Tưởng), Golden Land (số 275 Nguyễn Trãi), StarCity Lê Văn Lương; đặc biệt là tổ hợp Royal City (số 72A Nguyễn Trãi), được ví như “Thành phố châu Âu” thu nhỏ...
Các khu đô thị, toà chung cư mới nằm trên trục đường Lê Văn Lương tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt đô thị của quận Thanh Xuân
Cùng với đó, các tuyến đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Lê Trọng Tấn, đường hai bên bờ sông Tô Lịch, đường sắt đô thị trên cao và nhiều tuyến đường mới được xây dựng, mở rộng. Trụ sở làm việc của quận, phường và các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang được xây dựng khang trang. Các trường học, nhà văn hóa phường được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng đã tạo cho quận một diện mạo mới trên con đường hội nhập và phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đời sống của Nhân dân.
Từ một quận cửa ngõ phía Tây Nam, Thanh Xuân đã trở thành quận trung tâm của Thủ đô mở rộng theo tinh thần Nghị chính, quận Thanh Xuân đang chuyển mình mạnh mẽ theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp năng động, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại và giàu tiềm năng.
Trong giai đoạn 1997 - 2010, Quận đã đầu tư, cải tạo, chỉnh trang trên 350 công trình, trong đó có nhiều tuyến đường, Trụ sở cơ quan, đơn vị và các nhà hội họp khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn; tiêu biểu như Trụ sở quận, Trụ sở 11 phường và Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận. UBND quận đã chủ động, phối hợp với UBND thành phố thực hiện công tác GPMB và triển khai hoàn thành các tuyến đường vành đai, xuyên tâm như đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Trường Chinh, đường hai bên bờ sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét... góp phần phát triển đô thị quận, giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Với sự hình thành các tuyến đường giao thông trọng điểm, bộ mặt đô thị quận Thanh Xuân đã có những khởi sắc vượt bậc với những khu đô thị, tòa nhà chung cư hiện đại như khu đô thị dọc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Đồng thời, hoàn thành xây dựng Trụ sở Quận, Phường và các cơ quan, đơn vị thuộc quận, đảm bảo đầy đủ cơ sở, vật chất, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận.
Công viên Thanh Xuân, được khánh thành tháng 9/2018 là lá phổi xanh điều hoà không khí cho cả khu vực, đồng thời là nơi vui chơi, thư giãn của Nhân dân trên địa bàn quận
Trong giai đoạn 2010 - 2020, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của quận. Hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư có trọng điểm; từng bước giải quyết nhu cầu dân sinh; tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình giao thông đô thị, thoát nước, công viên hồ điều hòa... Khoảng 763 công trình cải tạo đường và thoát nước, cải tạo vỉa hè, nhà hội họp, sân chơi, cải tạo trụ sở UBND phường, xây mới, cải tạo nhà hội họp, Trạm Y tế phường... hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, tiêu biểu là chỉnh trang đường Lê Trọng Tấn (là tuyến đường văn minh kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô), 07 tuyến phố văn minh đô thị hai bên bờ sông Tô Lịch và ngõ 104 đường Lê Trọng Tấn; một số dự án công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trọng điểm: Mở rộng đường Vũ Trọng Phụng theo quy hoạch, xây mới 03 cầu qua sông Tô Lịch (thuộc dự án: đường vành đai 2,5, Tôn Thất Tùng kéo dài, Vương Thừa Vũ kéo dài); xây mới cầu qua sông Sét nối sang ngõ 153 đường Trường Chinh, phường Phương Liệt; xây dựng tuyến đường phía Tây Bắc công viên hồ điều hòa Nhân Chính (nối từ Khuất Duy Tiến sang đường Hoàng Minh Giám).
Với quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, Quận đã ưu tiên đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp xây thêm phòng học, cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học và trường THCS theo phân cấp để nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; tập trung xây dựng, đầu tư trang thiết bị một số trường chất lượng cao, mũi nhọn về giáo dục như trường Mầm non Thanh Xuân Bắc; Tiểu học Phan Đình Giót, Tiểu học Thanh Xuân Bắc, Tiểu học Nguyễn Tuân, THCS Thanh Xuân, THCS Khương Đình, THCS Thanh Xuân Trung, THCS Nguyễn Lân.
Trường THCS Thanh Xuân - trường cấp 2 chất lượng cao được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại của quận Thanh Xuân
Đồng chí Nguyễn Việt Hà - Thành uỷ viên, Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận; Đồng chí Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận cùng các đồng chí lãnh đạo UBMTTQ quận, lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung tham dự Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập quận tại trường Mầm non Nguyễn Tuân
Trồng mới 2.175 cây các loại, 1.605 chậu cây cảnh, 2.457 giỏ hoa và 23.868m 2 thảm cỏ; phối hợp với Công ty công viên cây xanh Hà Nội trồng mới 532 cây xanh các loại hai bên đường bờ sông Tô Lịch, đường Nguyễn Trãi; hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng từ ngày 10/9/2018 Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (được Thành phố đặt tên là công viên Thanh Xuân).
Đối với các công trình đầu tư mới UBND quận đã chủ động đưa giải pháp tiết kiệm điện năng trong chiếu sáng đô thị bằng hệ thống công nghệ đèn LED (dự án cải tạo, chỉnh trang, vỉa hè đường Nguyễn Trãi đoạn KM 5 + 850 đến Km 9 + 200, các dự án đầu tư các tuyến đường, trường học, Công viên, sân chơi...).
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng bộ quận Thanh Xuân đã xác định rõ thời cơ và thách thức, nhất là một số khó khăn của quận. Đó là hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị và xã hội tuy đã được tập trung đầu tư phát triển, nhưng chưa theo kịp tốc độ dân số cơ học tăng nhanh do các khu đô thị mới, chung cư cao tầng phát triển mạnh. Yêu cầu đặt ra là xây dựng quận văn minh, từng bước hiện đại, phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng còn bất cập giữa phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế với vấn đề đô thị và bảo vệ môi trường...
Khu đô thị mới Imperia Garden tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân
Trong thời gian tới, Quận tiếp tục triển khai các nhiệm vụ công tác về quản lý đô thị trên địa bàn với một số trọng điểm như: Nâng cao công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý, sử dụng các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn quận; triển khai có hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, quy hoạch đô thị trên địa bàn nhằm góp phần cùng công tác đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đô thị trên địa bàn quận trong giai đoạn 2020 - 2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ quận khóa VI đề ra (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Cầu thép bộ hành vượt đường bộ trên tuyến Hoàng Minh Giám - Công trình chào mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quận
BCH Đảng bộ quận cũng xác định “Đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường theo quy hoạch” là một trong hai khâu đột phá của Quận nhằm phát triển diện mạo đô thị quận Thanh Xuân là một trong những quận có hệ thống hạ tầng đô thị phát triển theo hướng bền vững, là một đô thị xanh, văn minh và hiện đại của Thủ đô. Một trong những khâu đầu tư tập trung của Quận là đối với hạ tầng giao thông đô thị, quận
chủ động phối hợp với các Sở, ngành, báo cáo Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai công tác đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính, xuyên tâm là: Đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến phố Ngụy Như Kon Tum; đường Vương Thừa Vũ nối vành đai 3 và đường Tôn Thất Tùng nối vành đai 3.
Quận đã xây dựng và triển khai Chương trình số 03CTr/QU về “Phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025 hướng tới 2035”; Đề án số 02-ĐA/QU về “Nâng cao năng lực quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng giai đoạn 2020 - 2025” gắn với các Chương trình của Thành ủy và Kế hoạch của Thành phố; Quận ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường theo quy hoạch; nâng cao năng lực quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân, giai đoạn 2021-2025” nhằm hiện thực hóa khâu đột phá “Đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, các trục đường theo quy hoạch” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI với mục tiêu khai thác thế mạnh và huy động mọi nguồn lực tạo tiền đề vững chắc tăng trưởng kinh tế, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - thương mại trong cơ cấu kinh tế…
Công viên Thanh Xuân nhìn từ trên cao
Cùng với đó, quận sẽ thực hiện đầu tư và hoàn thành đưa vào sử dụng 04 dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông (Xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường tại phường Thanh Xuân Nam; Đầu tư xây dựng theo quy hoạch tuyến phố Lê Văn Thiêm; Cải tạo, mở rộng theo quy hoạch tuyến phố Nguyễn Tuân) theo quy hoạch để kết nối với các khu vực giao thông trọng điểm nhằm hạn chế ùn tắc giao thông.
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, qua 25 năm xây dựng và phát triển, diện mạo quận Thanh Xuân ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn.
Nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, nút giao 4 tầng đầu tiên của Thủ đô Hà Nội
Các khu đô thị mới của quận Thanh Xuân về đêm