“Mẹ vắng nhà” là tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Thi, được viết vào tháng 6.1966, từ chuyện có thật của mẹ con chị Út Tịch ở Trà Vinh. Sau khi viết xong câu chuyện này, năm 1968, trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhà văn Nguyễn Thi đã hy sinh, không kịp biết rằng “Mẹ vắng nhà” sau đó đã được người Nhật đón nhận như thế nào.
Ông Takeshi Matsumoto, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Chihiro, viết vào tháng 8.2004 khi cuốn sách này được tái bản ở Nhật: ““Mẹ vắng nhà” được xuất bản năm 1972, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra hết sức ác liệt, không quân Mỹ tiến hành các cuộc ném bom bừa bãi xuống miền Bắc Việt Nam… Dịch giả cuốn sách này là ông Isao Takano, phóng viên Báo Ahahata, một người Nhật Bản rất thông thạo tình hình Việt Nam khi đó. Ông Isao Takano đã mang bản dịch tiếng Nhật cuốn truyện “Mẹ vắng nhà” đến NXB Shin-Nihon, đề nghị họa sĩ Chihiro Iwasaki vẽ tranh minh họa cho cuốn truyện. Tất cả các nhân vật trong truyện “Mẹ vắng nhà” đều có thật; trong thời gian chiến tranh Việt Nam, họ sống ở giồng Tam Ngãi, một cơ sở của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL, phía Nam Sài Gòn. Chị Nguyễn Thị Út, người mẹ thường xuyên ra mặt trận chiến đấu, vắng nhà là người anh hùng của Mặt trận Dân tộc giải phóng”.
Cuốn “Mẹ vắng nhà” - Lời: Nguyễn Thi, Tranh: Chihiro Iwasaki được in tại NXB Phụ nữ với khổ 21x20cm bao gồm 78 trang. Sự dịu dàng và sức mạnh của người mẹ đã in sâu trong trái tim và truyền cho các con sức mạnh ngay cả khi “mẹ vắng nhà”. Chính tình yêu của người mẹ đã thắp sáng ngọn lửa hy vọng trong lòng mọi người dân Việt Nam. Đất nước Việt Nam nhỏ bé mà tươi đẹp, con người giàu lòng yêu nước, không chịu khuất phục với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”.
Còn suy nghĩ gì nữa, chúng mình đến Thư viện để cùng tìm đọc ngay thôi nào!