Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Với 80 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Đồng chí luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kiên định, vững vàng “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí cùng tập thể Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đồng chí nhiều lần nhắc nhở: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất...”; phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của người đảng viên... Theo đồng chí: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về kiên định lập trường chính trị, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân và luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đồng chí luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà lý luận tài năng. Đồng chí có nhiều công trình sách, bài viết thể hiện tầm cao lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với tư duy sâu sắc, toàn diện, biện chứng, bằng những lập luận chắc chắn, đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng thực tế phong phú, sinh động về những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, nhìn xa trông rộng trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển xã hội, con người Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện đường lối đối ngoại, ngoại giao cây tre Việt Nam; xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Có thể khẳng định, ở lĩnh vực lý luận nào đồng chí cũng là người am hiểu sâu sắc, lý giải thấu đáo, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng.
Với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến XIII, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo phát triển công tác lý luận của Đảng và bản thân đồng chí là nhà lý luận tài năng với kiến thức chuyên sâu, có nhiều đóng góp cho hệ thống lý luận đổi mới của Đảng...
3. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà báo “đại thụ”. Với tư cách là nhà báo cũng là lãnh đạo cơ quan lý luận chính trị của Đảng là Tạp chí Cộng sản, sau này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí rất chú trọng tới việc giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản, là đội quân chủ lực trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí có 29 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, trưởng thành từ một biên tập viên đến Tổng Biên tập. Đồng chí khẳng định: “Nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”; luôn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo với cán bộ, biên tập viên. Đồng chí cũng có rất nhiều bài viết thể hiện tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng. Trong các bài viết của mình, đồng chí đã đề ra những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam; đồng thời chuyển tải, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Tài năng viết báo của đồng chí thể hiện ở cách viết, cách diễn đạt những vấn đề tưởng như rất trừu tượng, lý luận cao xa thành những nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện..., nhờ vậy, đồng chí đã tuyên truyền, đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Ngày 9-6-2012, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí về thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản với tình cảm thân thiết, gắn bó với Tạp chí. Đồng chí có bài phát biểu tâm huyết với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cộng sản.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tạp chí Cộng sản có bề dày lịch sử và truyền thống rất vẻ vang. Từ Tạp chí Đỏ ra số đầu tiên (ngày 5-8-1930) đến Tạp chí Cộng sản (năm 1931), Tạp chí Bôn-sơ-víc (năm 1934), Tạp chí Cộng sản (năm 1941), Tạp chí Cộng sản (năm 1943), Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (năm 1947) và Tạp chí Cộng sản (năm 1950). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản và tiếp tục ra đều kỳ cho đến ngày nay. Như vậy, với lịch sử hơn 82 năm hoạt động và phát triển, đến nay Tạp chí Cộng sản là một tạp chí có lịch sử hoạt động lâu nhất ở nước ta…
“Tôi nhớ, ngày trước, khi đến thăm Tạp chí Cộng sản, nhiều đồng chí lãnh đạo, như Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh... đều nói: Viết một bài báo đã khó, viết một bài lý luận lại càng khó, các đồng chí là những chiến sĩ thầm lặng mà anh dũng. Phải tích lũy thế nào mới viết được. Tằm chín đến độ nào mới nhả tơ được. Tài thánh mà một vài ngày cho ra mấy bài, chắc đó là những bài để tính số lượng thôi, không thể là bài có chất lượng được. Những bài viết theo kiểu về địa phương lấy một vài báo cáo, rồi “chỉnh sửa”, “mông má” lại thì làm sao có chất lượng cao được”.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, trong thời đại thông tin, số hóa hiện nay, cần đặc biệt chú trọng phát triển Tạp chí Cộng sản Điện tử. “Giờ đây, người ta đọc trên mạng nhiều hơn là đọc trên sách in. Sáng nay, làm việc ở Báo Nhân Dân, tôi cũng lưu ý như vậy. Tập trung làm cho tốt các ấn phẩm cho có chất lượng; biên tập bài cho thật kỹ, cố gắng không để xảy ra sai sót. Trước đây, khi làm Tổng Biên tập Tạp chí, đồng chí Trường Chinh chỉ bảo và đòi hỏi anh em cán bộ biên tập kỹ lắm. Bản thân đồng chí thì vô cùng cẩn thận, cân nhắc, sửa chữa từng dấu phẩy, dấu chấm, từng chữ viết hoa, viết thường. Bây giờ, tôi có cảm nhận, chúng ta không có được tác phong như vậy, thậm chí dễ dãi quá thì phải? Đề nghị anh chị em phóng viên, cán bộ biên tập của Tạp chí phải rèn luyện cho mình thói quen cẩn thận, tỉ mỉ này, vì Tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực cơ mà. Không nên coi đó chỉ là kỹ thuật, vì nhiều khi “sai một ly, đi một dặm”. Chúng ta đã có không ít bài học về điều này”…
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, ở Tạp chí Cộng sản, nghiên cứu khoa học chủ yếu là phục vụ công tác biên tập, phục vụ công tác tổ chức bài cho các số Tạp chí. “Không nên đặt quá nặng việc nghiên cứu các chương trình, đề tài cấp quốc gia; lực lượng đâu, đội ngũ cán bộ khoa học đâu mà làm? Nếu làm được thì tốt, nhưng nếu quá phân tán lực lượng, thì lấy đâu sức để viết, để tổ chức bài. Chúng ta có lợi thế rất lớn là hiện nay có rất nhiều cơ quan nghiên cứu; riêng Hội đồng Lý luận Trung ương đang triển khai nghiên cứu hơn ba mươi đề tài cấp nhà nước. Tạp chí Cộng sản cần có cách khai thác, chắt lọc, phát huy, sử dụng những kết quả nghiên cứu của các cơ quan này để tổ chức bài viết đăng trên Tạp chí. Rồi tổ chức phát huy đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ có uy tín khoa học; nhiều đồng chí đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết. Đội ngũ này không ít đâu. Vấn đề là biết tổ chức và thu hút trí tuệ của họ. Phải xây dựng cơ chế huy động “chất xám” của đội ngũ này, cung cấp thông tin cho họ, xây dựng kế hoạch biên tập, đặt bài họ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với “chất xám” họ bỏ ra; có chế độ nhuận bút đặc biệt cho những bài thật sự chất lượng, có hàm lượng khoa học cao”…
“Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí, cần có hai điều kiện: Một là, bản thân mỗi cán bộ công tác ở Tạp chí Cộng sản phải thật sự yêu nghề, say mê công việc, ngày đêm lo toan, trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên về một bài viết do mình phụ trách, chứ nếu cứ chàng màng, lớt phớt thì khó có được bài hay, bài sâu sắc, “nhân nào thì quả ấy”. Hai là, cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy hết khả năng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tạp chí. Ban Biên tập, toàn thể Bộ Biên tập Tạp chí phải nỗ lực; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ công tác xây dựng cơ quan, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ở Tạp chí. Như các đồng chí biết, những gì chúng ta viết ra là thể hiện quan điểm, trình độ lý luận của mình đã đủ chín chưa, lập trường chính trị có vững vàng không, nó thể hiện ngay trong bài viết. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở Tạp chí Cộng sản phải có lập trường tư tưởng kiên định, quan điểm chính trị rõ ràng, thực sự tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc; đồng thời phải có trình độ hiểu biết, trình độ lý luận nhất định. Đây là những phẩm chất tối cần thiết để hình thành những cây bút được bạn đọc tin tưởng và yêu mến. Đây cũng là công việc rất khó và kỳ công lắm, đòi hỏi tập thể phải chăm sóc, bồi dưỡng công phu và cá nhân phải nỗ lực rèn luyện toàn diện không ngừng”…
Tổng Bí thư cũng tin tưởng, mong muốn Tạp chí Cộng sản mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Trích bài nói tại chuyến thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày 9-6-2012, đăng trên Tạp chí Cộng sản số 837 (7-2012).
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, làm theo.
PGS.TS Vũ Văn Phúc
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản