Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020. Văn bản của Sở yêu cầu 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này.
Phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.
Ảnh minh hoạ: Giang Huy.
Văn bản của Sở Giáo dục Hà Nội cũng nêu rõ hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm. Cụ thể, nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Năm 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng ra quy định hạ hạnh kiểm một tháng hoặc một học kỳ với học sinh tái diễn nhiều lần việc không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Quy định này nhận được sự đồng tình nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì cho rằng quá nghiêm khắc.
Trao đổi với VnExpress khi đó, Phó giám đốc Sở Giáo dục Nguyễn Hiệp Thống cho biết, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ vừa đảm bảo an toàn tính mạng, vừa giúp học sinh có ý thức chấp hành luật pháp. Ông đưa ra con số khoảng 2.000 trẻ em bị tai nạn giao thông mỗi năm trên cả nước, trong đó quá nửa không đội mũ bảo hiểm và nhấn mạnh: "Đây là việc làm nhân văn, cần thực hiện".