Theo tình huống giả định, khoảng 9h30 phút, ngày 26/10/2019, trong khi các lớp đang học, tại hành lang tầng 1, dãy nhà A có 4 em học sinh lớp 5A5, 5A7 tay ôm bụng tiến nhanh đến Phòng Y tế của nhà trường, vẻ mặt của các em khá mệt mỏi, khó chịu và lo lắng... Trong đó, một số học sinh bước đi khó khăn được các bạn dìu. Có 1 học sinh đang được cô giáo bế vội vã về phòng Y tế với 2 tay ôm bụng vì buồn nôn và những cơn đau bụng từng cơn.
Tham gia buổi diễn tập có các phòng ban đơn vị, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn quận
Qua thăm khám, có 2 học sinh có dấu hiệu sốt, đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần; 4 học sinh đau bụng, buồn nôn, nôn, có đi ngoài, 4 học sinh có đau bụng, buồn nôn, chưa đi ngoài. Sau khi khám bệnh, đo nhiệt độ, huyết áp, ghi chép hồ sơ, cán bộ y tế nhà trường chẩn đoán sơ bộ các học sinh bị rối loạn tiêu hoá nghi do ngộ độc thực phẩm, đã tạm xử trí pha Oresol cho các học sinh uống.
Ngay sau khi nhận được thông tin sự cố ATTP tại Trường Tiểu học Kim Giang, Trưởng trạm Y tế Kim Giang cử 1 tổ công tác gồm 3 cán bộ y tế với các trang thiết bị cần thiết khẩn trương đến hỗ trợ nhà trường. Tiếp đó, Hiệu trưởng nhà trường thông báo cho toàn thể giáo viên, học sinh, cán bộ nhà trường biết tình trạng sự cố ATP tại nhà trường và phân công một số giáo viên xuống các lớp 5A5, 5A7 và phòng Y tế theo dõi, chăm sóc, vận chuyển học sinh.
Tiếp đó, lãnh đạo Trung tâm Y tế và Lãnh đạo Phòng Y tế đã ngay lập tức điều động 1 đội gồm 3 tổ công tác và 1 xe cứu thương với trang thiết bị cần thiết đến trường tiểu học Kim Giang để điều tra xác định nguyên nhân và hỗ trợ nhà trường sơ cấp cứu cho học sinh. Ban chỉ đạo ATTP quận, với sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị trong công tác điều tra, xử lý ngộ độc nhiều người mắc tại bếp ăn tập thể, sử dụng các điều kiện cơ sở vật chất tại nhà trường, phòng khám dã chiến đã được thành lập.
Theo tình huống giả định, tại hành lang tầng 1, dãy nhà A có 4 em học sinh lớp 5A5, 5A7 tay ôm bụng
Đồng thời với hoạt động khám bệnh, phân loại bệnh nhân, chăm sóc, cứu chữa, điều trị, cấp cứu. Các cán bộ trong 2 đội điều tra ngộ độc thực phẩm cũng đang khẩn trương triển khai ngay các hoạt động điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Sau một thời gian điều trị tích cực, các bác sĩ đã khám lại, đánh giá tình trạng sức khỏe của các cháu học sinh và xin quyết định về hướng điều trị tiếp 4 cháu học sinh bị nặng cần phải chuyển Bệnh viện đa khoa Đống Đa điều trị tiếp.
Sau một thời gian điều trị tích cực, các bác sĩ đã khám lại, đánh giá tình trạng sức khỏe của các cháu học sinh
Đến trưa cùng ngày không có thêm học sinh nào đến phòng khám dã chiến. Theo báo cáo của trưởng các bộ phận, không có học sinh nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe tại các lớp học. Ngay sau khi điều trị các em học sinh, đồng chí Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng Ban chỉ đạo công tác ATTP quận triệu tập lãnh đạo các đơn vị để đánh giá tình hình, kết luận sơ bộ vụ ngộ độc Thực phẩm nhiều người mắc đến thời điểm hiện tại và yêu cầu triển khai các nhiệm vụ tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATTP trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, ổn định phát triển kinh tế xã hội, các cấp ủy, đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở trên địa bàn quận luôn quan tâm tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo ATTP trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.
Lãnh đạo UBND quận kịp thời có mặt đánh giá sơ bộ tình hình và chỉ đạo các đơn vị tiếp tục các biện pháp điều tra và xử lý ngộ độc thực phẩm
Quận đã tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm đặc biệt tại bếp ăn tập thể trong các trường học. Vì vậy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về ATTP trong trường học luôn được đảm bảo hiệu quả, an toàn. Các cơ sở giáo dục của quận đã duy trì thực hiện tốt các điều kiện về ATTP. Nhiều năm và đến nay, trên địa bàn quận chưa có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.