BỆNH SỞI
Triệu chứng:
- Sốt rất cao 39 đến 40 độ C trong 2 ngày đầu
- Ngày thứ 3-4 xuất hiện các ban trên da, trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, viêm đỏ, có rỉ mắt, viêm đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, sổ mũi).
- Ngày thứ 5 ban bọc khắp toàn thân (từ đầu xuống chân) trẻ đỡ sốt, giảm viêm đường hô hấp.
Khi trẻ mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhanh. Trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,...
Cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi để điều trị đúng cách. Trong 2 ngày đầu, tất cả bệnh nhi sốt cao do virus thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến ngày thứ hai, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.
SỐT PHÁT BAN
Triệu chứng gồm có:
- Sốt: Thường cơn sốt đến bất thình lình và cao, hơn 103 độ F (39,5 độ C). Người bệnh có thể bị đau cổ họng nhẹ hoặc hơi sổ mũi. Ngoài ra, cũng có thể bị sưng hạch ở cổ. Cơn sốt thường kéo dài từ 3 tới 7 ngày.
- Nổi đỏ (hay nổi ban): Sau khi hết sốt, người bệnh thường bị nổi đỏ. Ban đỏ này thường gồm những điểm hay những mảng nhỏ màu hồng. Những vết này thường phẳng nhưng cũng có thể hơi nổi cộm. Chung quanh những vết này có thể có một quầng trắng. Ban thường nổi lên ở ngực, sau lưng, bụng và sau đó lan tới cổ và cánh tay, có thể lan tới chân và mặt. Ban thường không ngứa hay làm khó chịu và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày.
- Các triệu chứng khác gồm có mệt mỏi, khó chịu, tiêu chảy nhẹ, kém ăn, mí mắt sưng…
Nếu như trẻ chỉ bị sốt phát ban thông thường sẽ có triệu chứng sốt cao nhưng không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp. Sốt phát ban thông thường sẽ mọc toàn thân chứ không mọc lần lượt như bệnh sởi.
Cách phòng biến chứng bệnh sởi
Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Virus sởi thường làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh, nếu trẻ tiếp xúc với người khác đang mắc cúm sẽ khiến bệnh tăng nặng. Do đó, hạn chế tiếp xúc thăm hỏi là cách phòng biến chứng cho trẻ.
Khi chăm sóc bệnh nhi bị sởi tại nhà, cha mẹ cần phải lưu ý:
- Trẻ sốt cao trên 38,5 độ cần uống thuốc hạ sốt.
- Rửa mũi để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
- Lựa chọn đồ ăn lỏng dễ tiêu, tránh những thức ăn dễ gây dị ứng.
- Tắm rửa vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
- Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống thoáng và sạch.
Sởi sẽ diễn biến nặng trên một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ béo phì, mắc bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch…
Đối với trẻ chưa đến tuổi để tiêm vắc xin, cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cha mẹ sau khi đi làm về cần phải rửa tay bằng xà phòng, nhỏ nước mũi sinh lý mới bế trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ để có kháng thể cho con.
Trường hợp mắc sởi ác tính thường nhiều, tử vong nhanh trong 2-3 ngày. Diễn biến của sởi ác tính thường rất nhanh ngày đầu trẻ sốt cao, ngày thứ 2 ho rất nhiều, khản tiếng, viêm kết mạc. Vào cuối ngày thứ 2 bệnh có thể diễn biến thành viêm phổi nặng và tử vong rất nhanh.