Làm bạn với con, được nghe con tâm sự, chia sẻ và cùng con trưởng thành, lớn lên có lẽ là điều mà bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, khi con càng khôn lớn, sự phát triển về tính cách hay những nguyên do nào đó khiến chúng ta và con dễ bị cách xa và mất kết nối. Chính vì vậy, chúng mình đã có nhiều bài viết nói về khoảng thời gian chất lượng và những dịp để bố mẹ và con có nhiều cơ hội được gần nhau và hiểu nhau hơn
Dưới đây là một vài lợi ý mà nếu nỗ lực và kiên trì chắc chắn bố mẹ sẽ thấy hiệu quả.
1️⃣ Học cách xin lỗi con
Việc chủ động nói lời xin lỗi con khi nhận ra mình đã trách nhầm con, mắng oan con, hoặc chưa hiểu con chính là một cách thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ dành cho con cái. Điều này không chỉ giúp trẻ học được nguyên tắc làm người căn bản mà còn khiến trẻ cảm thấy kính trọng cha mẹ mình.
Khi đó, uy tín của phụ huynh mới thực sự được hình thành và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mới hài hòa hơn.
🔻 Ai cũng sẽ mắc sai lầm. Thậm chí bản thân người lớn chúng ta cũng không thể đếm được mình đã sai lầm bao nhiêu lần để lớn lên. Trong suốt quá trình giáo dục con cái bố mẹ rất khó tránh khỏi một vài lần trách mắng sai con. Vậy trong những trường hợp đó, chúng ta thường xử lý như thế nào?
Chỉ có 10% các phụ huynh được hỏi nói rằng họ chủ động xin lỗi con ngay sau khi trách nhầm con.
Gần 80% phụ huynh được hỏi cho rằng việc trách mắng nhầm con không phải là điều quá nghiêm trọng. Họ đều cho rằng trẻ con còn nhỏ tuổi và chưa hiểu chuyện nên sẽ quên đi rất nhanh các việc vừa xảy ra, bao gồm cả việc không vui.
Có khoảng 10% phụ huynh được hỏi không những không xin lỗi trẻ sau khi đã trách nhầm chúng mà còn tìm thêm ra khuyết điểm khác của trẻ để che giấu cho lỗi lầm của mình để bản thân không bị mất mặt trước con.
2️⃣ Tôn trọng sở thích của con
Mỗi bố mẹ khi muốn con đăng ký một lớp học nào đó hoặc làm một việc gì đó cần tìm hiểu xem trẻ có thực sự thích hay không. Không nên vì ý kiến chủ quan của mình mà ép con phải tham gia những lớp học mà con không muốn hoặc làm những điều mà con sợ hãi hay không thích.
Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta đã bắt gặp nhiều câu chuyện bố mẹ không quan tâm đến sở thích của con mà hay so sánh, chạy đua điểm số, danh lợi để bắt ép con học lớp nọ lớp kia, mà họ thường biện hộ rằng chỉ muốn tốt cho con. Những việc làm này vô hình dung đã đặt một áp lực rất lớn lên đôi vai nhỏ của một đứa trẻ.
Một nhà giáo dục Nhật Bản từng có câu nói rằng: “Thiên tài là phải có đam mê mãnh liệt và đam mê một cách kiên cường”. Vì vậy, muốn trẻ làm một việc gì đó cần cho trẻ thấy sự thích thú và say mê với việc làm đó trước. Bởi lẽ những người không có đam mê chỉ có thể làm những việc mà thế giới yêu cầu để sinh tồn mà không có sự sáng tạo.
3️⃣ Đừng là những phụ huynh “đốt cháy giai đoạn”
Nhiều bậc phụ huynh rất muốn con mình được như “con nhà người ta” nên đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục “đốt cháy giai đoạn” với con. Điều này có thể vô tình tạo áp lực và giết chết niềm vui trong học tập của con và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.
Thực tế, mọi sự vật phát triển đều có quy luật của nó giống như mầm cây phải tự nhô mình lên mặt đất cứng thì mới có thể thỏa thích đón ánh nắng mặt trời. Sự phát triển của một đứa trẻ cũng không phải ngoại lệ. Hành động “đốt cháy giai đoạn” trong giáo dục chính là hành động đi ngược lại quy luật cơ bản về phát triển cả về thể chất và tinh thần ở trẻ
4️⃣ Phát hiện những điểm mạnh của con
Bất cứ đứa trẻ nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của mình. Là bậc làm cha mẹ, chúng ta cần nhìn được những điểm sáng của con để thường xuyên khích lệ con. Hãy dùng sự kiên trì để chờ đợi, dùng tình yêu để nuôi dưỡng, dừng trí tuệ để dẫn dắt giúp trẻ phát huy những điểm sáng của mình một cách mạnh mẽ và tự tin.
Bố mẹ có thể gợi ý để con có thể nhận ra những sở trường của mình, và tạo cơ hội để trẻ trải nghiệm những sở trường đó.
5️⃣ Đừng tạo áp lực quá lớn với con
Nhiều khi nguyên nhân khiến trẻ thất bại trong một việc gì đó không phải là do thiếu tự tin, cũng không phải thiếu năng lực, thiếu cơ hội mà chính là do áp lực lớn từ nhiều phía dẫn đến việc sai lầm.
Nếu mọi đứa trẻ đều được giải quyết các tình huống với thái độ bình tĩnh, đối mặt một cách thoải mái thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều lần. Ví dụ như việc học đàn, chỉ khi đôi tay được thả lỏng thì mới có thể đánh được những bản nhạc du dương, tuyệt vời.
6️⃣ Đừng nói một đằng, làm một nẻo
Trong quá trình nuôi dạy con cái có lẽ chúng ta mắc phải những lỗi truyền đạt quan niệm một cách mâu thuẫn, nói một đằng, làm một nẻo.
Ví dụ như: bố mẹ cấm con không được xem điện thoại nhưng lại thường xuyên tiếp xúc với điện thoại khi chơi hoặc tiếp xúc với trẻ.
Bố mẹ dạy con phải biết chia sẻ, khiêm nhường, lễ phép nhưng khi con kể rằng, hôm nay ở lớp học có chia táo, con chỉ chọn quả nhỏ thôi thì lập tức nói con ngốc, sao lại không chọn những quả to hơn để ăn. Điều này có thể sẽ khiến trẻ hoang mang và không biết nên làm gì mới là đúng.
7️⃣ Không xem nhật ký của con
Trẻ bắt đầu có bí mật và việc viết nhật ký chứng minh rằng trẻ đang dần lớn lên, tiến đến sự độc lập, đã biết tự mình giải quyết sự việc mà không nhất thiết phải nhờ đến bố mẹ nữa. Hơn nữa, bí mật và trách nhiệm thường đi liền với nhau, do vậy điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ đang chịu trách nhiệm một cách độc lập. Tất nhiên điều này của con cần có sự tôn trọng của bố mẹ.
Nếu bạn bước vào phòng con mà thấy cuốn nhật ký của con thì không nên tò mò bỏ ra đọc. Bởi lẽ bí mật là điều mà ai đó đều muốn giữ trong lòng và không muốn nói cho người khác. Vì nếu có thể chia sẻ được thì chúng đã chủ động chia sẻ với bạn rồi. Mỗi chúng ta đều có bí mật riêng, và trẻ con cũng vậy.
Nhiều bố mẹ thường đọc nhật ký của con, xem tin nhắn điện thoại, thư từ, lục cặp sách của con vì cho rằng đó là sự quan tâm và giám sát quá trình phát triển của con. Nhưng hành động đó lại thể hiện sự thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng dành cho con. Bố mẹ chỉ nên chạm vào thế giới riêng của con nếu có sự đồng ý một cách chủ động và vui vẻ từ con.
8️⃣ Hãy tin tưởng con
Tin tưởng con chính là một trong những sức mạnh để giúp con trưởng thành. Mong muốn sâu thẳm nhất trong mọi đứa trẻ, cũng như người lớn chúng ta là được khen ngợi, khẳng định và công nhận.
Trong cuộc sống chúng ta dễ dàng bắt gặp những tình huống như:
Sau khi con ăn xong sẽ bắt con ngồi vào bàn học học bài 30 phút - 1 tiếng. Nhưng ngay sau đó lại 10 phút vào kiểm tra con 1 lần xem con có thực sự học không.
Con chơi với bạn bè khác giới thì lo sợ con sẽ yêu sớm, chểnh mảng học hành và có những hành động ngăn cấm, nhắc nhở.
Thấy con lên mạng thì nghĩ rằng con đang xem những thứ không lành mạnh…
Chính sự không tin tưởng của bố mẹ khiến cho con cái luôn có cảm giác bị quản thúc mọi lúc mọi nơi nên chẳng thể cảm thấy tự tin. Là những người thầy đầu tiên của trẻ, sự tin tưởng của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của con.
Đối với bố mẹ việc tin tưởng con vừa dễ vừa khó. Đối với trẻ việc được tin tưởng có thể sẽ tạo nên kỳ tích.
️
Thực sự quá trình làm bố mẹ khiến chúng ta có thêm nhiều bài học mới. Việc đặt mình vào suy nghĩ của trẻ để hiểu trẻ hơn sau đó mới hành động chính là cách tuyệt vời giúp trẻ gần gũi và kết nối với bố mẹ hơn. Hy vọng bài viết sẽ tạo thêm động lực để bố mẹ luôn trở thành 1 người bạn chí cốt, thân thiết nhất của con mà không tạo ra áp lực nào