“Con ơi, xuống ăn tối đi con!”
“Con ơi, đồ ăn nguội hết rồi!”
“Con có xuống ngay bây giờ không?”
Chắc hẳn có không ít ba mẹ đã, đang trải qua cảm giác không mấy dễ chịu khi nói mà con cứ “làm ngơ” lời nói của mình phải không nào? Một số ba mẹ thấy con không hồi đáp thì lớn tiếng, la mắng và nói những điều mà con trẻ chưa đủ khả năng để hiểu. Và tất nhiên đây không phải là giải pháp tích cực. Vậy thì trong trường hợp này, ba mẹ cần xử lý như thế nào?
Mỗi bạn nhỏ đều có một tính cách riêng, không ai giống ai nên ba mẹ cần linh hoạt, mềm dẻo trong việc dạy dỗ và uốn nắn con. Khi thấy con “bơ” đi yêu cầu của mình, thay vì la mắng con, ba mẹ có thể ngồi xuống trước mặt con, nắm lấy tay con và nhìn trực diện vào mắt con với ánh mắt trìu mến, thấu hiểu.
Sau đó, ba mẹ bắt đầu nói chuyện với con để biết lý do vì sao con lại “không nghe thấy” lời của ba mẹ như thế. Đôi khi, không phải con cố tình “làm ngơ” ba mẹ đâu. Có những bạn nhỏ khi tham gia vào một hoạt động nào đó thường dành sự tập trung cao và không để ý đến những gì xảy ra xung quanh nữa, kể cả ba mẹ có đứng gần sát bên con nói thì trẻ cũng không nghe thấy. Hoặc đôi khi, trẻ có thể phớt lờ ba mẹ một cách cố ý. Một số trẻ cố tình “kiểm tra” xem điều gì sẽ xảy ra nếu làm lơ ba mẹ, hay đơn giản là con không muốn làm.
Khi đã biết được lý do, ba mẹ cần giải thích cho con hiểu là tại sao ba mẹ lại yêu cầu con làm điều đó, nó tốt với con như thế nào, và việc con giả vờ không nghe ảnh hưởng đến ba mẹ ra sao. Đây là cơ hội để ba mẹ dạy hoặc nhắc lại các quy tắc cho con ghi nhớ. Cho con biết rằng, “lơ” đi lời nói của người khác là chưa lịch sự, chưa phải là em bé ngoan; cho con biết những hệ quả nếu con vẫn tiếp tục giả vờ không nghe thấy lời ba mẹ. Cảnh báo là rất quan trọng, bởi vì nếu trẻ biết trước hậu quả khi vi phạm quy tắc là gì thì con sẽ đưa ra lựa chọn về hành vi của mình.
Khi đã hiểu được lý do cũng như các quy tắc, con có thể sẽ tập trung vào lời nói của ba mẹ mỗi khi nói và thực hiện một cách tự giác vào lần sau, tuy nhiên ba mẹ cũng cần hết sức kiên nhẫn nhé.
Bên cạnh đó, để dạy con trẻ biết cách nghe mà không “bơ” đi khi ba mẹ nói, ba mẹ cần phải làm gương cho con ngay từ khi con còn nhỏ, luôn luôn lắng nghe, chú ý đến những gì con nói. Có như vậy, con mới được rèn luyện dần và hình thành thói quen khi lớn lên.