Hầu hết các bậc cha mẹ nhấn mạnh rằng con cần phải xin lỗi anh chị em, bạn bè hoặc người lớn khi con phạm sai lầm với họ. Tuy nhiên, khi người lớn chúng ta mắc lỗi với con, chúng ta lại thường có xu hướng né tránh nói lời xin lỗi.
Đôi khi chúng ta biện minh cho hành động này bằng cách nói rằng lời xin lỗi sẽ làm giảm sự tôn trọng của trẻ với chúng ta. Nhưng điều đó không đúng. Liệu chúng ta có thấy mình tôn trọng một người khác hơn khi người đó chủ động nhận lỗi về mình và tìm cách sửa để mọi thứ trở nên tốt hơn? Nói lời xin lỗi cho hành động của mình là không đồng nghĩa với việc bạn không thể sửa sai cho con khi cần. Đừng lo lắng về điều này, trẻ vẫn biết chúng ta là người lớn.
Nhưng đáng buồn là hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó chịu khi xin lỗi, đặc biệt là với con của mình. Chúng ta nghĩ là trẻ con luôn xem người lớn là phải làm đúng. Chúng ta lo rằng con sẽ tận dụng việc bố mẹ nhắc sai lầm này và nhắc lại khi cần. Cùng với đó, nói lời xin lỗi thường mang lại cảm giác xấu hổ nếu chúng ta bị buộc phải xin lỗi con.
Nhưng con trẻ sẽ học được điều gì khi bố mẹ TRÁNH nói lời xin lỗi?
Xin lỗi có nghĩa là bạn đã làm điều gì đó sai trái, tồi tệ hoặc bạn thật là tệ.
Việc làm tổn hại một mối quan hệ, không thừa nhận lỗi của mình hay không tìm cách khắc phục những gì mình đã làm là điều bình thường.
Khi bạn xin lỗi tức là bạn làm mất vị thế của mình.
Nói lời xin lỗi là một việc không ai muốn trừ khi bị buộc phải làm như vậy.
Liệu mọi thứ có trở nên tốt hơn khi người lớn chúng ta làm mẫu cho con cách xin lỗi?
Tất cả chúng ta đều có lúc mắc lỗi nhưng chúng ta vẫn có thể thay đổi để mọi thứ được tốt đẹp hơn
Tất cả chúng ta đều có lúc làm tổn thương người khác. Nhưng điều quan trọng là phải thừa nhận nó và tìm cách khắc phục.
Khi bạn xin lỗi, người khác sẽ có cách nhìn về bạn tốt hơn.
Không có gì phải ngại khi xin lỗi và sau cùng cảm xúc của chúng ta sẽ tốt lên thôi.
VẬY KHI NÀO CHÚNG TA NÊN NÓI LỜI XIN LỖI VỚI CON VÀ CHÚNG TA NÊN NÓI GÌ?
1⃣. Nói lời xin lỗi một cách đơn giản và đúng lúc
Bất cứ khi nào bạn hành động theo kiểu bạn không muốn con làm giống mình thì đó là lúc bạn nên cân nhắc nói lời xin lỗi, chẳng hạn như: “ Ồ! Xin lỗi vì mẹ đã ngắt lời con.” Nhiệm vụ của chúng ta là quản lý cảm xúc của mình cho dù con có làm gì. Vậy nên, xin lỗi con khi chúng ta đã không làm được là một điều quan trọng, trừ khi chúng ta muốn con bắt chước cách mình đã nổi cơn thịnh nộ với con.
“Trước đấy mẹ đã rất tức giận khi con không chịu ở trên giường và mẹ đã mắng con. Mẹ thực sự xin lỗi. Con không đáng bị mắng. Mẹ sẽ cố gắng hơn để giữ được bình tĩnh. Và mẹ cần con nằm trên giường vào giờ đi ngủ. Vậy thì chúng ta có thể làm gì để con có thể vui vẻ nằm trên giường và đi ngủ nhỉ?”
2⃣. Nếu con nghĩ đó là vấn đề lớn thì bố mẹ nên ghi nhận điều đó, ngay cả khi mình không nghĩ như vậy.
“Mẹ đã nói với con rằng mẹ sẽ mua cho con cuốn sổ mới khi mẹ đến siêu thị nhưng sau đó mẹ lại hoàn toàn quên mất. Mẹ xin lỗi. Mẹ biết là con đã tin rằng khi mẹ về sẽ cầm theo cuốn sổ mới.”
3⃣. Mô tả những gì đã xảy ra.
Hãy chắc chắn là lời xin lỗi của bạn đã thừa nhận ảnh hưởng từ hành động của mình lên đứa con. Chẳng hạn như: “Tất cả chúng ta đều đã bực tức, đúng không? Con la hét và sau đó mẹ cũng bắt đầu la mắng. Và con khóc. Mẹ xin lỗi nếu mẹ làm con sợ. Thực sự lúc đó mẹ đã rất tức giận, nhưng mẹ biết là mình cần phải kiểm soát cảm xúc của chính mình. Vì la mắng không phải là một cách hay với người mà mình yêu quý.”
4⃣. Vượt qua mong muốn đổ lỗi
Nhiều người trong chúng ta bắt đầu xin lỗi và sau đó đổi hướng sang tự bào chữa cho mình vì họ cho rằng con cũng sai, theo kiểu: “Đúng, mình đã hét lên với con, nhưng con xứng đáng với điều đó.” Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng mình là người lớn và nhiệm vụ của chúng ta là phải làm mẫu cho con. Bản thân con cũng có những lý do vì sao con nóng giận nhưng cho dù là con hay là chúng ta thì cũng không nên biện minh cho hành động của mình. Nếu chúng ta muốn trẻ học cách thể hiện sự tức giận của mình một cách thích hợp, chúng ta chỉ cần cho con thấy bằng chính hành vi của chúng ta.
5⃣. Không có gì là sai khi mình giải thích nhưng đừng phá hỏng lời xin lỗi bằng cách đưa ra lời biện hộ cho hành vi của mình.
Do vậy, thay vì nói:
“Mẹ đã có một ngày rất vất vả. Mọi thứ ở chỗ làm đều gặp vấn đề. Sau đó, con đã không thể bình tĩnh và mẹ thì mất kiên nhẫn nên mẹ đã gắt lên với con. Mẹ biết là mẹ không nên hét lên với con nhưng hãy đợi cho đến khi con phải đi làm mỗi ngày và con của con cũng không nghe lời con, con cũng sẽ hét lên giống như mẹ vậy!”
Thì bạn có thể nói là:
“Mẹ đã có một ngày rất vất vả. Mọi thứ ở chỗ làm đều gặp vấn đề. Sau đó, con đã không thể bình tĩnh và mẹ thì mất kiên nhẫn nên mẹ đã gắt lên với con. Nhưng đó không phải là lý do. Không ai đáng bị mắng cả. Khi chúng ta bực bội, nhiệm vụ của mình là phải thể hiện cảm xúc nhưng không phải theo kiểu tấn công người khác, và la mắng là một trong số đó. Mẹ xin lỗi.”
6⃣. Trong một tình huống cụ thể, bạn có thể làm mẫu cho trẻ về tính trách nhiệm bằng cách chịu trách nhiệm cho những gì mình cần phải có.
“Bố xin lỗi vì bố đã không có ở đó để giúp con.” Điều này không có nghĩa là bạn đang đổ lỗi cho chính mình. Bạn chỉ đang xin lỗi vì mình đã không có mặt ở đó. Và việc bạn nhận lấy một phần nhỏ trách nhiệm sẽ giúp con học được cách tự đứng lên và tự mình xin lỗi.
7⃣. Hãy cho mình cơ hội để làm lại nếu có thể
“Xin lỗi, con gái. Mẹ không có ý cáu kỉnh với con. Để mẹ cố gắng thêm một lần nữa. Đây, ý mẹ muốn nói là […]”
8⃣. Lên kế hoạch để sửa lỗi
Đây là câu nói quan trọng cho bất kỳ lời xin lỗi nào: “Con nghĩ bố/mẹ có thể làm gì để sửa cho đúng nhỉ?” và sau khi thảo luận, cả bạn và con có thể thống nhất ý kiến là: “Trên đường tới trường vào sáng mai, chúng ta sẽ dừng lại ở một cửa hàng để mua sổ cho con nhé.”
9⃣. Lập kế hoạch cho lần sau.
Con sẽ học được rất nhiều điều nếu bạn hỏi con là lần sau bố mẹ có thể làm gì khác đi và thảo luận về chủ đề này một cách thật cởi mở.
Sau đó, bố mẹ nên đưa ra một lời cam kết. “Lần sau, mẹ sẽ tạm dừng lại và thở để lấy lại bình tĩnh.”
Hãy thử đặt mình vào trường hợp, nếu một ai đó mà bạn yêu quý liên tục làm bạn tổn thương , sau đó lại xin lỗi thì không sớm gì muộn, bạn cũng sẽ bớt tin tưởng người ấy. Vì lời xin lỗi chỉ có ý nghĩa nếu bạn biết người đó đã sẵn sàng cố gắng để tránh lặp lại những hành vi không mong muốn ấy.
10. Hỏi con nếu con đã sẵn sàng để “giảng hòa”
Việc này cũng đơn giản như khi nói câu: “Con đã sẵn sàng để ôm mẹ chưa?” Cách làm này giúp trẻ có được một bước nhảy vọt để gạt bỏ qua sự bực tức và kết nối lại cảm xúc. Nhưng đừng ép buộc trẻ, trẻ không nên cảm thấy bị áp lực phải “tha thứ” cho đến khi con cảm thấy sẵn sàng. Nhưng bố mẹ vẫn có thể tìm cách hỗ trợ trẻ để những trạng thái cảm xúc này nhanh chóng biến mất.
Như bạn cũng có thể thấy để xin lỗi mình cần có sự can đảm khi thừa nhận mình đã sai và mong được tha thứ. Mặc dù vậy, điều này sẽ giúp bạn trở thành một ông bố bà mẹ tốt hơn và góp phần nuôi dạy một em bé khỏe mạnh hơn, những người coi trọng mối quan hệ và có thể chịu trách nhiệm trong tương lai.