Các ông bố bà mẹ của chúng ta thường cư xử ra sao khi con không làm đúng theo ý của mình?
Bạn đã từng quát tháo, mắng mỏ, thậm chí là phạt roi khi con bạn làm sai?
Đã từng hét vào mặt con khi con cứ đòi ba mẹ chơi cùng khi ba mẹ đang bận?
Từng nhiều lần mất bình tĩnh và la mắng con khi bản thân gặp chuyện không như ý trong cuộc sống?
Việc con trẻ mắc lỗi và làm cho ba mẹ không vui là điều khó tránh khỏi. Trong những tình huống đó, cách cư xử của ba mẹ sẽ quyết định không khí căng thẳng hơn hay nhẹ nhàng hơn, con trẻ có thái độ tích cực hay tiêu cực qua lỗi lầm ấy, đồng thời cũng là gương để con học theo cách cư xử đó… Ba mẹ tức giận la hét, quát mắng con chỉ làm mọi thứ tệ hơn mà thôi. Còn với thái độ nhẹ nhàng, bình tĩnh, biết lắng nghe sẽ mang lại cảm giác an toàn và yên tâm cho con. Dưới đây là một số cách giúp ba mẹ bình tĩnh, kiên nhẫn khi trẻ phạm lỗi, ba mẹ có thể tham khảo nhé.
Tạm dừng cuộc tranh luận với con
Khi nhận thấy tình hình bắt đầu căng thẳng, ba mẹ không nên cố gắng hỏi, tranh luận với con để tìm ra lý do vì sao con sai, mà nên tạm dừng cuộc tranh luận. Việc không tranh luận với con lúc này giúp ba mẹ có thêm thời gian để điều tiết cảm xúc của mình cũng như có cơ hội suy xét, nhìn nhận vấn đề kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.
Để lấy lại bình tĩnh lúc này, ba mẹ hãy hít thở thật sâu, có thể uống nước, đếm ngược, tạm rời đi chỗ khác, lặp lại những cụm từ tích cực như “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”... để lấy lại bình tĩnh, xoa dịu cơn giận.
Tự hỏi vì sao lại tức giận
Khi cơn giận đến, chúng ta thường nảy sinh cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Những lúc ấy, ba mẹ nên dừng lại một chút và tự hỏi “Tại sao mình lại giận con?”, “Giận như vậy rồi được gì?” có thể sẽ thay đổi cảm xúc đó. Khi tự hỏi như vậy, biết được mình đang làm gì sẽ tác động tích cực đến nhận thức, giúp ba mẹ hạ nhiệt nhanh chóng.
Mỉm cười với con nhiều hơn
Nụ cười giúp giải phóng hormone endorphin tạo cảm giác dễ chịu. Do đó, ba mẹ cần mỉm cười với con nhiều hơn, đặc biệt là những khi cơn giận thường trực, dù không dễ để có thể cười nhưng cũng cố gắng tập nhé. Điều này có thể làm cả ba mẹ và con đỡ căng thẳng hơn, và ba mẹ có thời gian để lấy lại bình tĩnh, cũng như suy nghĩ và đưa ra cách giải quyết sáng suốt.
Tìm hiểu lý do vì sao con làm điều đó
Khi đã đủ bình tĩnh, ba mẹ cần tìm hiểu vì sao con lại có hành động/lời nói như vậy, cố gắng hiểu rằng con chỉ là một đứa trẻ, con chưa thể có suy nghĩ và hành động như người lớn được. Khi biết được lý do, ba mẹ cần giải thích cho con hiểu con sai ở đâu và chỉ hướng con cách làm cũng như sự lựa chọn đúng đắn.
Đặt ra một số quy tắc trong nhà
Ba mẹ cần đặt ra một số quy tắc, quy định chung của gia đình và ba mẹ cùng làm gương để thực hiện; hoặc để trẻ tuân theo; nếu con vi phạm thì con sẽ không được ăn/uống món con thích hoặc không được xem chương trình con thích trong bao lâu... Việc dạy con với quy tắc đã được đặt ra như vậy sẽ hạn chế việc trẻ phạm lỗi cũng như giúp đơn giản hóa mọi thứ khi căng thẳng xảy ra.
Dành thời gian để nghỉ ngơi
Chăm con là cả một hành trình dài, bên cạnh niềm hạnh phúc lớn lao thì cũng đòi hỏi ở ba mẹ nhiều thời gian và công sức. Đôi khi, chỉ một lỗi nhỏ của con thôi cũng khiến ba mẹ trở nên gắt gỏng. Để hạn chế những cảm xúc thiếu tích cực ấy xảy đến, bên cạnh việc chăm sóc con, ba mẹ cần dành cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để nạp năng lượng tích cực, giải tỏa năng lượng tiêu cực. Có thể dành thời gian chăm sóc bản thân, đọc sách, nghe nhạc, gặp gỡ bạn bè, thăm người thân,...
Nuôi dạy con không nổi giận mới là thông minh! Hãy là những cha mẹ thấu hiểu để các con của chúng ta trở thành là những em bé hiểu chuyện và hạnh phúc ba mẹ nhé!