Chắc hẳn không ai trong số chúng ta là một ông bố bà mẹ hoàn bảo. Vì ai cũng có lúc mắc lỗi và mỗi lỗi lầm mình mắc phải đều có thể trở thành một cơ hội học hỏi cho cả bố mẹ và các bạn nhỏ.
Thực tế là sự phát triển của mỗi em bé không đi theo một con đường thẳng tắp vì hôm nay bạn có thể nghĩ mình làm đúng, mình có thể giải quyết được vấn đề trong hành động của con nhưng ngày mai bạn vẫn có thể có cảm giác “thua cuộc”
Do vậy, việc tránh những lỗi sai phổ biến dưới đây khi kỷ luật con có thể giúp con cải thiện hành vi tốt hơn trong tương lai.
1. ĐỂ TÂM ĐẾN NHỮNG HÀNH VI KHÔNG ĐÚNG MỰC CỦA CON
Mè nheo, kêu ca, nài nỉ, khóc lóc... khiến nhiều bố mẹ rất khó có thể bỏ qua, phớt lờ được. Nhưng khi mình càng quan tâm đến những hành vi tìm kiếm sự chú ý của bố mẹ như thế thì càng có nhiều lý do để trẻ tiếp tục lặp lại những hành vi này trong tương lai.
Trong khi đó con cần nhiều sự chú ý, quan tâm tích cực để duy trì những hành vi tốt. Nhưng hành vi đúng của trẻ như tự chơi, chơi lần lượt thay vì tranh giành nhau… lại thường ít được bố mẹ để ý đến. Do vậy, để có được nhiều sự quan tâm của bố mẹ hơn, có những lúc trẻ sẽ “bùng nổ”.
Vậy nên, bố mẹ cần trao đổi với trẻ là khi nào hành động của mình sẽ được chú ý, chẳng hạn như con tiếp tục mè nheo, bố mẹ sẽ phớt lờ nhưng nếu con từ từ, bình tĩnh nói cho bố mẹ hiểu điều con muốn, bố mẹ sẽ dành thời gian để lắng nghe con. Cách làm này sẽ khuyến khích trẻ cư xử đúng mực hơn
2. “ĐẦU HÀNG” ĐỂ NHỮNG HÀNH VI XẤU CỦA CON ĐƯỢC CHẤM DỨT
Một lỗi lớn mà bố mẹ thường mắc phải khác là chỉ tập trung vào những gì dễ đạt được trước mắt. Ví dụ, bộ mẹ sẽ nhượng bộ để con được nghịch điện thoại thay vì phải nghe mè nheo, kêu ca… Nhưng nếu bố mẹ lựa chọn cách này, trong hôm nay vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng nhưng về lâu dài cách làm này sẽ khiến những vấn đề trong hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn
Sự nhượng bộ của bố mẹ có thể khiến trẻ nghĩ rằng những gì mình đang làm là hiệu quả. Trẻ sẽ học được rằng nài nỉ, mè nheo… có thể giúp trẻ có được thứ mình muốn và điều này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn với các mối quan hệ khác trong tương lai như khi đi học ở trường hay ra ngoài xã hội.
Thay vào đó con cần những kỹ năng để có thể trở thành một người lớn sống lành mạnh, có trách nhiệm. Do vậy, những biện pháp kỷ luật hiệu quả nhất nên tập trung vào việc dạy trẻ những kỹ năng này.
Trẻ em cần học được rằng gia đình vẫn có những hình thức kỷ luật nếu con cư xử không đúng. Do vậy, bố mẹ cần theo sát những quy tắc đã đặt ra cùng với quan điểm nhất quán, trao đổi rõ ràng với con, công bằng để đảm bảo được rằng con học được những kỹ năng con cần.
3. KHÔNG ĐẶT RA ĐƯỢC NHỮNG QUY TẮC RÕ RÀNG
Khi bố mẹ không đưa ra được những quy tắc rõ ràng, con sẽ cảm thấy mơ hồ về những mong đợi của bố mẹ.
Có lẽ hai vợ chồng bạn có thể có những quan điểm, nguyên tắc khác nhau trong việc nuôi dạy con hoặc khi giải thích cho con nghe về các quy tắc, có thể bạn đã nói khác với những gì mình nghĩ trước đó. Hoặc mức độ sẵn sàng để thực hiện các quy tắc lại phụ thuộc vào tâm trạng của bạn. Những gì bạn thấy nó vui ngày hôm nay nhưng ngày mai nó cũng có thể khiến bạn tức giận… Chẳng hạn như có những hôm bạn cảm thấy rất mệt mỏi và không muốn nói gì cả trong khi con cứ liên tục nhảy trên giường trong khi có những hôm bạn lại thấy thích nếu con làm như vậy
Thay vào đó, bố mẹ có thể viết ra từng từ từng chữ những quy tắc trong gia đình. Nếu làm được như vậy trẻ sẽ giảm bớt được căng thẳng khi biết rõ bố mẹ muốn mình làm được gì. Khi trẻ hiểu rõ được những giới hạn cho hành vi của mình và hậu quả sẽ ra sao nếu mình vi phạm, khi ấy, trẻ sẽ tập để đưa ra được những lựa chọn tốt hơn cho mình.
4. KHÔNG CÓ KẾ HOẠCH CỤ THỂ
Nếu không có một kế hoạch rõ ràng, thì trong lúc bấn loạn, với cùng một mức độ phạm lỗi của con, ngày hôm nay bố mẹ chọn cách đánh con nhưng ngày sau có thể chọn phương pháp kỷ luật time – out (tức là cho bé ngồi một góc để có thời gian bình tĩnh và suy nghĩ về hành vi của mình với thời gian thường đúng với số tuổi của bé.)…
Những “hình phạt” đưa ra không nhất quán có thể khiến trẻ cảm thấy mơ hồ nên thường không giúp trẻ thay đổi được hành động của mình.
Khi cần phải kiểm soát những hành động không đúng mực của trẻ, sẽ tốt hơn nếu bố mẹ chủ động thay vì để nó xảy đến rồi mình mới tìm cách phản ứng. Do vậy, điều này đòi hỏi bố mẹ cần có phương án chuẩn bị để biết khi con cư xử không đúng mực thì mình cần phải làm như thế nào.
Khi bạn giải quyết vấn đề bằng một kế hoạch rõ ràng, nó sẽ dễ hơn cho bạn trong việc theo dõi sự phát triển của con và để xem cách bạn kỷ luật mà bạn đang dùng có hiệu quả hay không.
Và nếu con vẫn đang trong quá trình sửa đổi hành vi với các vấn đề cụ thể như đánh nhau hay nói dối…, bố mẹ cũng cần trao đổi với những người chăm sóc khác như ông bà, anh chị em để đảm bảo rằng họ cũng có cách phản ứng tương tự Khi tất cả người lớn chúng ta đều dùng chung một cách, con sẽ không bị lẫn lộn hay có cảm giác ai “chiều” mình hơn ai, thì có nhiều khả năng những vấn đề trong hành vi của bé sẽ được cải thiện tốt hơn.
Nuôi dạy một em lớn lên, trưởng thành, chắc hẳn các bạn cũng tích lũy được cho mình không ít bài học. Chúng mình hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những “chiến lược” cho mình để quá trình lớn lên cùng con được dễ dàng, vui vẻ hơn.