CON CẮN BẠN, LA HÉT, BƯỚNG BỈNH HAY THƯỜNG XUYÊN NÉM ĐỒ ĐẠC
Đây là những biểu hiện rất đáng lo ngại ở trẻ em. Nếu các dấu hiệu này lặp đi lặp lại và trẻ không thể tự kiểm soát được hành vi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đến tính cách và sự phát triển của trẻ sau này.
Cùng chúng mình xem những yếu tố nào có thể dẫn đến hành vi hung hăng ở trẻ nhé!
1. Hình phạt nặng nề trong gia đình
Yếu tố mạnh nhất là sự trừng phạt về thể xác và bạo lực trong gia đình. Tính khí bị ức chế là đặc điểm tính cách duy nhất dự đoán sự bạo lực, gây hấn ở trẻ. Điều này cho thấy mối quan hệ trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ em.
Có 3 kiểu bố mẹ thường trừng phạt gây ảnh hưởng đến trẻ như:
Chửi mắng, trừng phạt con ở nơi công cộng, nhất là nơi có bạn bè đồng trang lứa với con.
Mỗi chúng ta đều có lòng tự trọng riêng và cả trẻ em cũng vậy. Vì thế bố mẹ cũng nên tôn trọng con bằng cách không được to tiếng hay trừng phạt trẻ ở nơi công cộng và chỗ đông người. Khi bị trừng phạt trước đông người, bé cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối, và khi một loạt cảm xúc tiêu cực nhất đạt đến đỉnh điểm, chúng có thể hành động tiêu cực mà bạn không nghĩ tới.
Trừng trị bằng cách "vứt bỏ"
Nhiều bố mẹ khi quá tức giận vì con mắc lỗi sẽ đuổi con ra khỏi nhà, đóng cửa và nhốt con ở ngoài. Hành động này làm trẻ sợ hãi, hoảng loạn, hình thành tâm lý rằng mình làm gì sai cũng sẽ bị mẹ ghét bỏ, dần dẫn đến thái độ sợ hãi, thiếu tự tin trước mọi việc làm của bản thân.
Dùng bạo lực để trừng phạt.
Không ít bố mẹ có quan điểm “thương cho roi cho vọt” mà không thương tiếc khi dùng bạo lực để dạy dỗ con. Điều này khiến cho trẻ luôn sống trong tâm lý rụt rè, sợ mắc sai lầm, thậm chí dần dần thừa hưởng xu hướng bạo lực của cha mẹ, luôn sử dụng vũ lực như một sự trừng phạt những người xung quanh mình.
🤷♂🤷♀ Tất cả những hình thức trừng phạt này đều khiến cho trẻ sợ hãi, tâm lý nặng nề. Mọi trẻ em đều cần mắc sai lầm và phạm lỗi để khôn lớn và trưởng thành. Dù trẻ mắc bất cứ lỗi gì, bố mẹ cũng nên bình tĩnh và tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu và nên áp dụng hình thức phạt nào là hợp lý.
2. Chịu đựng tâm lý ức chế, dồn nén
Từ những hành động trừng phạt quá nghiêm khắc hoặc bạo lực trong gia đình sẽ khiến cho trẻ có tâm lý ức chế, dồn nén lâu ngày và dễ thể hiện suy nghĩ, hành động của mình bằng bạo lực khi trẻ có điều gì không vừa ý
Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý tuyệt đối không nên la mắng trẻ trong bữa ăn vì sẽ gây ức chế về mặt tâm lý cho trẻ, khiến trẻ bỏ ăn, ăn không còn cảm giác ngon. Điều này cũng không tốt cho việc phát triển tâm lý của trẻ nhỏ, khiến trẻ thấy bữa ăn không còn là lúc gia đình gắn kết, yêu thương nhau mà trở thành miễn cưỡng, bắt buộc. Từ đó làm trẻ né tránh và tách ra, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
3. Trẻ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh.
Môi trường sống ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và hành vi của trẻ. Những bất an về tinh thần có thể làm giảm chỉ số thông minh ở trẻ em, và đến từ việc thường xuyên chứng kiến bạo lực, ngược đãi từ gia đình, những người thân thiết, hoặc ở trường học. Ngoài ra, những bài hát với lời lẽ kích động và phim bạo lực cũng sẽ thúc đẩy suy nghĩ và tình cảm hung hãn của trẻ.
4. Trẻ được nuông chiều quá mức
Hành vi hung hăng và bạo lực ở trẻ còn đến từ việc bố mẹ quá nuông chiều con. Nếu khi trẻ sai mà bố mẹ không kỷ luật hoặc đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ thì rất dễ đến việc các lần sau trẻ sẽ cố tình thể hiện sự hung dữ để được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Bạn cần kiên quyết phản đối trẻ trong các trường hợp: Làm đau người khác, bé cáu gắt và yêu cầu nhảm nhí, lấy đồ chơi không phải của mình, khi trẻ làm những việc có thể nguy hiểm.
5. Tình trạng sức khỏe của cơ thể
Khi trẻ bị đau hay gặp các vấn đề về sức khỏe như không được cung cấp đủ dinh dưỡng trong những năm đầu đời có nguy cơ trở nên hung dữ. Khi trẻ có thể giao tiếp, bạn cần giúp con cách lắng nghe và nói ra (mô tả) những bất ổn của mình, cả về tinh thần hoặc thể chất.
Bố mẹ biết đấy, suy nghĩ và hành vi của trẻ chịu tác động rất lớn từ phía gia đình - môi trường đầu tiên mà bé lớn lên, đặc biệt là vào những năm đầu đời. Do vậy, hành trình nuôi dạy con cần lắm sự kiên nhẫn, thấu hiểu, bao dung từ bố mẹ. Hy vọng bài viết của chúng mình sẽ giúp đỡ các bạn phần nào trong quá trình đặc biệt này, để mọi thứ có thể trở nên dễ dàng hơn.
Nguồn:
“Con đường đến sự xâm hại thông qua việc bị ức chế và bạo lực của cha mẹ” - Nghiên cứu được thực hiện bởi Malcolm Watson, Đại học Brandeis và Kurt Fischer, Trường đại học giáo dục Harvard