Trong những năm gần đây, chúng ta ngày càng nghe nhiều
đến cụm từ TỰ LẬP, TỰ QUYẾT. Có những bố mẹ không hề cho con tí tự lập
nào, họ quyết định từ việc con mặc áo màu xanh hay màu đỏ, đến chuyện
học môn gì, nhà thầy nào và chúng lớn lên thành những đứa trẻ thụ động,
đứa trẻ tuổi 30, chỉ biết ăn bám bố mẹ. Nhưng có những bố mẹ lại cho con
tự lập đến mức chúng chạy nhảy hò hét ầm ĩ trong nhà hàng, siêu thị,
mặc bộ quần áo nhàu nhĩ đi đến đám cưới, họ cũng chẳng hề lên tiếng dạy
dỗ chúng và chúng lớn lên thành người chuyên vứt rác ra đường, đi siêu
thị thì bới tung đồ rồi vứt toẹt luôn khay thịt ở hàng đồ khô, hôi của
và thản nhiên hút thuốc phả vào bà bầu và trẻ con. Vậy, phải cho con tự
lập như thế nào thì mới đúng?
Nhiều
cha mẹ nói với con mình rằng họ mong con phải có trách nhiệm với bản
thân, nhưng chính họ lại thường xuyên nhắc nhở con khi chúng nóng, lạnh,
đói, khát, hoặc mệt mỏi, thậm chí khi nào chúng cần phải đi tắm. Tất cả
chúng ta đều đã từng nghe những câu như thế này:
• “Con phải mặc áo vào. Trời bên ngoài quá lạnh nên con không thể ra ngoài mà không mặc áo.”
• “Con chưa thể đói được. Mình vừa mới ăn một tiếng trước thôi mà.”
• “Hãy ngồi xuống và trật tự đi. Không gọi đồ uống khác đâu.”
• “Con phải đi ngủ ngay!”
• “Con nhớ tắm trước khi chúng ta đi đấy nhé.”
Trong
mỗi lời nói ở trên, cha mẹ ngầm nói với con rằng chúng không có khả
năng tự suy nghĩ cho bản thân, không thể kiểm soát cuộc sống của mình và
không thể tự đưa ra quyết định. Khi trẻ còn nhỏ, những mệnh lệnh này có
thể hiệu quả. Nhưng khi trẻ đã đến tuổi vị thành niên, chúng sẽ chẳng
thèm đoái hoài đến những mệnh lệnh này. Chúng tự quyết định, và sẽ quyết
định sai: thử ma túy, bỏ học… và phá hủy cuộc đời mình.
Vì
thế, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thay vì ra lệnh cho trẻ, hãy để trẻ tự
quyết định vấn đề của chúng, và chúng sẽ phải chịu hậu quả tự nhiên khi
quyết định sai.
Vào một
buổi tối lạnh lẽo ở Colorado, gia đình tôi (Foster) chuẩn bị đi ra
ngoài. Lúc đứng trước cửa, vợ tôi hỏi đứa con trai sáu tuổi rằng,
“Andrew, con có muốn mặc khoác không?”
Andrew nói,
“Không, con không cần áo khoác đâu mẹ” và cháu mặc một chiếc áo thun. Để
noi gương cho con, vợ tôi chỉ nói: ‘’Mẹ thấy rất vui khi mặc áo khoác.”
Sau đó, cô ấy mặc áo rồi cả gia đình tôi bước vào xe.
Khi
mới đi được một đoạn, chúng tôi nghe thấy tiếng run và răng lập cập
đang bị bóp nghẹt do cố nén lại từ hàng ghế phía sau. Vợ tôi nói: “Hình
như mẹ nghe thấy có tiếng run lập cập ở ghế sau?”
"Y-y-EAH-h-h!"
Andrew lắp bắp. Những lời tiếp theo là những lời nói thông minh nhất mà
tôi từng nghe từ Andrew: "Lần sau, con sẽ mặc áo khoác!"
"Ồ,
con yêu, một ý hay đấy." (Chuyến đi của chúng tôi kéo dài đủ lâu để
thông điệp khắc sâu hơn, nhưng KHÔNG QUÁ LÂU đến mức da Andrew chuyển
sang tím tái.)
Nếu vợ tôi
nói, "Mặc áo khoác của con vào. Trời lạnh đấy, "Andrew có lẽ sẽ nói
"Không." Và cô ấy sẽ nói: ‘MẸ LÀ MẸ CỦA CON, CON PHẢI MẶC ÁO KHOÁC VÀO”.
Sau đó, Andrew sẽ ngồi ở ghế sau, và ấm áp như một chiếc bánh mì nướng,
nhưng nó sẽ ghét mẹ và cũng không học được điều gì cả. Thằng bé có thể
sẽ suy nghĩ rằng “Được thôi, con sẽ mặc áo, nhưng đó là vì mẹ ép con.
Hãy đợi tới khi nào con đủ lớn để có thể đưa ra quyết định về việc mặc
áo!”
Khi chúng ta cho con
quyền quyết định những vấn đề của mình, chúng có thể lựa chọn sai và
chịu hậu quả tự nhiên: chúng sẽ bị đói, bị lạnh, bị đau… Ai trong chúng
ta cũng đều cảm thấy đau khi con đau, khi chứng kiến con học hỏi qua
những bài học tự nhiên mà cuộc sống đem lại. Nhưng những hậu quả đó sẽ
không quá nghiêm trọng, và trẻ sẽ dần hiểu lần sau phải quyết định thế
nào thì TỐT CHO MÌNH, chứ không phải vì bố mẹ ra lệnh. Chính những nỗi
đau đó là một phần cái giá chúng ta phải trả để nuôi dạy con trở thành
người có trách nhiệm. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn: ĐAU ĐỚN MỘT
CHÚT KHI CHỨNG KIẾN CON HỌC CÁCH SỐNG TỪ BÂY GIỜ HOẶC ĐAU ĐƠN NHIỀU HƠN
GẤP TRĂM NGHÌN LẦN KHI CHỨNG KIẾN CẢNH CHÚNG ĐÃ TRƯỞNG THÀNH MÀ VẪN
KHÔNG THỂ TỰ CHĂM SÓC BẢN THÂN, TỰ RA QUYẾT ĐỊNH.
Tuy
nhiên, chúng ta không thể cho con quyền quyết định quá nhiều từ khi còn
nhỏ, được phép quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến cuộc sống
của mình, vì nếu chúng lựa chọn sai, hậu quả sẽ CỰC KÌ NGHIÊM TRỌNG.
Chúng ta nên cho trẻ quyền kiểm soát nhiều hơn theo thời gian và chúng
ta vẫn phải quyết định thay trẻ trong một số vấn đề. Danh sách những rắc
rối mà một đứa trẻ gặp phải sẽ dài vô tận, không bao giờ kết thúc: nào
là phải đến trường đúng giờ, bị bạn bè bắt nạt, bắt nạt bạn bè, vô lễ
với giáo viên, bị giáo viên trù dập, điểm kém, lười biếng, giao du với
bạn xấu, chất kích thích, rượu và rất nhiều rắc rối khác. Vậy khi nào
nên can thiệp và khi nào không nên can thiệp vào các vấn đề của con
trẻ???
Đôi khi, chúng ta cũng nên can thiệp vào các vấn đề của trẻ, quyết định thay trẻ nếu:
• Khi vấn đề gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ hay quyết định của trẻ có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời của trẻ.
•
Khi trẻ biết rằng chúng đang rơi vào hoàn cảnh mà chúng không thể tự
giải quyết được. Điều quan trọng nhất là bọn trẻ hiểu được rằng cha mẹ
biết chúng không thể tự giải quyết được vấn đề. Vì vậy, việc chúng ta
can thiệp sẽ nhắn nhủ con rằng "Con không thể tự giải quyết được và cha
mẹ sẽ giúp con." Thông điệp vẫn mang tính xây dựng và phù hợp với hoàn
cảnh vì cả cha mẹ và trẻ đều hiểu trẻ không thể đơn độc đối mặt với tình
hình.
Trên thực tế, nếu
có hơn 20% cơ hội trẻ có thể giải quyết được vấn đề của mình thì chúng
ta không nên can thiệp vào và cướp đi cơ hội trưởng thành từ những trải
nghiệm của trẻ.
Mặt khác, khi những hành vi của trẻ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN BỐ MẸ, chúng ta cũng cần phải can thiệp.
Nếu
Mariah đến trường muộn vì quá chậm chạp, đừng vội can thiệp. Nhưng nếu
sự chậm trễ của Mariah khiến cha mẹ muộn làm theo, hãy bắt đầu can thiệp
và giải quyết.
Nếu phòng
của Caden như một bãi chiến trường, hãy để con tự giải quyết nhưng nếu
con làm bày bừa phòng khách và ảnh hưởng đến cha mẹ, bạn phải can thiệp.
Nếu
Connor cư xử vô lễ ở trường, hãy để giáo viên giải quyết với sự trợ
giúp của cha mẹ. Nhưng nếu Connor cũng xử sự vô lễ với cha mẹ thì cha mẹ
hãy tự giải quyết.
Tuy
nhiên, khi trẻ đang bị lạnh cho không chịu mặc áo, nếu bố mẹ nói: “mẹ đã
bảo con rồi mà con không nghe”, “con đã quyết định không mặc áo thì giờ
con phải chịu lạnh là đúng rồi, còn kêu ca gì nữa” thì chắc chắn trẻ
không hề học được nhiều từ hậu quả tự nhiên mà chúng vừa chịu. Cha mẹ
cần cho trẻ thấy sự đồng cảm, chân thành, yêu thương, sự quan tâm, khi
trẻ chịu hậu quả. Đó là những gì khiến bài học đến với trẻ một cách tự
nhiên mà trẻ không cảm thấy chúng ta quay lưng lại với chúng.
Trích cuốn sách “Nuôi con bằng Yêu thương – Dạy con bằng Lý trí”