Trong nhiều gia đình hiện nay, chúng ta không khó để thấy được hình ảnh con sau khi đi học về, ngồi chơi vọc điện thoại mà không hề quan tâm đến mọi thứ xung quanh. Trong khi mẹ thì tất bật dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, nấu ăn cho gia đình,... không ngơi nghỉ. Thậm chí, khi thấy mẹ mệt mỏi vẫn cứ thờ ơ, dửng dưng không liên quan đến mình. Có phải chính cách giáo dục bảo bọc, không cho con trải nghiệm, sợ con vất vả khiến trẻ trở nên vô tâm, không biết chia sẻ, đồng cảm?
CHÍNH NGƯỜI LỚN ĐANG KHIẾN TRẺ TRỞ NÊN VÔ CẢM
Một câu hỏi lớn được đặt ra là “Vì sao lại như thế?” Ngày càng hiện diện trong đầu của nhiều bậc cha mẹ. Vậy có lúc nào chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân mình? Chính người lớn đã vô tình, vô tâm làm cạn kiệt nguồn cảm xúc của các con mỗi ngày bằng những hành động tưởng như vô hại nhưng thực ra có tác động rất mạnh mẽ đến tư duy của trẻ.
Ba mẹ có thể mua rất nhiều những đĩa sách nói, những video, những danh ngôn, những cuốn sách kỹ năng sống cho con... Điều đó tốt, nhưng thực sự chưa đủ. Muốn con phát triển tốt, ngoài những lý thuyết đã dạy ở trên phải cho con thực hành, trải nghiệm. Chính điều đó mới giúp con phát triển một cách toàn diện nhất. Cuộc sống hiện nay của nhiều gia đình khá đầy đủ, không còn những nỗi khát khao ăn no mặc ấm mà đã vươn lên tầm cao hơn là ăn ngon mặc đẹp. Các con được chăm sóc quá mức, được nâng niu chiều chuộng. Có những trẻ được chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, trang phục đến cả việc soạn sách đi học, chuẩn bị quà sinh nhật, thiệp mời… Có trẻ thì nhà có người giúp việc cả đời không cần đụng đến việc gì nhỏ nhất. Và trẻ coi điều đó là hiển nhiên, tự cho mình quyền hưởng thụ, được cung phụng, hầu hạ.
TRẺ VÔ CẢM DẪN ĐẾN HỆ LỤY GÌ SAU NÀY
Lòng trắc ẩn, tình yêu, lòng thương đều phải học và thực hành. Một kỹ năng như tập đi, viết chữ mà còn phải tập hàng năm trời, thì những rèn luyện dành cho trái tim còn phải công phu hơn thế nhiều! Không phải cứ hầu hạ con hết nấc rồi tự nhiên con biết sống trách nhiệm, biết thương người và biết yêu mình đâu. Và ngay đối với cha mẹ mình mà con trẻ còn vô cảm, thì thử hỏi đối với xã hội, những người bất hạnh ngoài kia con có lòng thương cảm được không?
Đặc biệt với ba mẹ Việt, cần nhớ rằng sống có trách nhiệm, sống tử tế không phụ thuộc vào giới tính. Hãy bỏ đi tư tưởng trọng nam khinh nữ, cho rằng con trai thì không phải làm những việc cỏn con, tủn mủn đi. Bạn nghĩ sao khi chính cậu con trai được đặc cách quyền lợi đó, khi ba mẹ lớn tuổi vẫn không thể tự lo được cho bản thân, cũng không quan tâm đến ba mẹ vì còn bận đi nhậu với bạn bè? Ba mẹ, người thiêng liêng nhất trên đời này mà bạn còn cho phép con vô cảm được, thì hi vọng gì con sẽ tử tế được với người ngoài? Và có thể khi lập gia đình cậu ta lại thờ ơ, vô tâm với người phụ nữ của mình, không san sẻ công việc với vợ chỉ vì mình là đàn ông.
Một bác sĩ nếu “vô cảm” sẽ không có đủ tình thương đối với con bệnh của mình, sẽ đánh mất đi lương tâm của một thầy thuốc. Người tài xế “vô cảm” sẽ coi mạng con người chẳng ra gì, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường để về trước, sẽ gây hậu quả khôn lường... Vậy đó, vô cảm thực sự nghiêm trọng với con, và với cả gia đình và xã hội.
GIÚP CON XÂY DỰNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI TỐT
“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng và được ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Thế nên, ba mẹ hãy truyền cho con lòng yêu thương ngay từ khi con còn nhỏ nhé!
Ba mẹ có thể thường xuyên "mua việc cho con" bằng cách “sai vặt” như lấy quần áo cho em, ngồi chơi gần em để khi em khóc thì gọi mẹ, có thể sai con chạy tứ tung, lấy cái này, cất cái kia, dọn dẹp... Hoặc để con tự nhặt rau, rửa chén... Và bạn biết không, các bé đều rất vui khi được thử vai đầu bếp nấu món ăn cho cả nhà đó, món ăn có thể chưa ngon, chưa đẹp mắt nhưng nó là cả một sự cố gắng và chất chứa tình yêu của con. Hãy trân trọng!
Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở thành người tốt, chính gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau.
Những việc của con, như soạn bài, làm bài tập, gấp quần áo, bỏ quần áo bẩn vào máy giặt... con chắc chắn phải tự làm. Ba mẹ chỉ là người hỗ trợ và giám sát để theo dõi quá trình con làm thôi nhé.
Hãy dạy con trai ngược lại với tư tưởng trước đây, rằng vì "Con là một quý ông, hãy tỏ ra ga-lăng với phụ nữ!" Cậu bé hẳn sẽ vui vẻ sắm vai quý ông, xắn tay giúp mẹ việc nhà một cách nhiệt tình nhất. Sau này, có thể cậu sẽ lại là một người chồng, người cha tốt nhờ được dạy những điều đó từ nhỏ thì sao.
Ba mẹ có nghĩ rằng nên cho con tham gia một chương trình từ thiện nào đó không? Để con được gặp gỡ, chia sẻ và thấu hiểu với những người bất hạnh hơn mình, cũng là dịp để con ý thức được trách nhiệm của bản thân với cộng đồng sau này. Lòng yêu thương phải được xuất phát từ thực tế và hành động ba mẹ à! Hãy cùng con xây dựng nhân cách, tâm hồn bằng những điều giản dị đến to lớn hơn mỗi ngày nhé!