Ở mọi lứa tuổi, khóc là một phản ứng bình thường khi ai đó bị bủa vây, choáng ngợp bởi những cảm xúc mạnh mẽ như sợ hãi, lo lắng, giận dữ, căng thẳng hoặc thậm chí là hạnh phúc. Tuy nhiên, với một số bạn nhỏ, những giọt nước mắt thường xuyên xuất hiện là biểu hiện của việc các bạn ý đang không thể tự làm chủ cảm xúc của mình. Nếu em bé của bạn thường xuyên khóc lóc, thường xuyên cảm thấy xúc động, buồn bã, thất vọng, dễ dàng rơi vào trạng thái tức giận, mất bình tĩnh hoặc phấn khích quá đà, thì hãy thử áp dụng 7 biện pháp cực hữu ích trong CHIẾN LƯỢC GIÚP CON TỰ LÀM CHỦ CẢM XÚC mà Mầm Nhỏ chia sẻ dưới đây nhé ^^~
1. GIÚP CON TỰ GỌI TÊN CẢM XÚC CỦA MÌNH
Hẳn nhiều bố mẹ đã trải qua cảm giác bất lực thậm chí là bực bội, xấu hổ khi con mình bắt đầu khóc lóc hoặc trở nên mất kiểm soát ngay giữa chốn đông người. Tuy nhiên, bố mẹ hãy giúp con học cách nhận biết, hiểu và gọi tên chính xác cảm xúc của mình trước khi tìm cách xử lý chúng một cách triệt để.
Trong những cuộc trò chuyện với con, bố mẹ hãy nhắc nhiều hơn đến tên gọi các loại cảm xúc. Ví dụ như “Bố/Mẹ cảm thấy thật buồn vì chúng mình không thể đi thăm bà hôm nay”, “Lẽ ra cả nhà đã có thể đi chơi công viên. Nhưng thật tiếc vì trời đổ mưa”, hoặc “Con có thấy bạn kia hành xử không tốt không? Bố/Mẹ cũng cảm thấy rất tức giận với điều đó đấy”... Bố mẹ cũng có thể mở đầu những cuộc trò chuyện về cảm xúc bằng cách trao đổi, chia sẻ với con về các nhân vật trong một cuốn sách hoặc một bộ phim nào đó với câu hỏi như “Con nghĩ là nhân vật này sẽ cảm thấy như thế nào?”... Những cuộc đối thoại tương tự sẽ giúp các bạn nhỏ cải thiện khả năng tự nhận biết và làm chủ cảm xúc của mình hơn.
Trên thực tế, việc gọi tên chính xác cảm xúc và vấn đề của mình có thể giúp trẻ trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn (ngay cả khi các bạn ý đang chưa làm chủ được cảm xúc của mình). Mỗi người đều có những tính cách, cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Nếu em bé của bạn có nhạy cảm hơn, dễ mất kiểm soát hơn một xíu thì cũng hoàn toàn không có gì phải lo lắng. Làm chủ cảm xúc là một kĩ năng quan trọng mà bố mẹ cần giúp con hoàn thiện mỗi ngày.
2. GIÚP CON PHÂN BIỆT SỰ KHÁC NHAU GIỮA CẢM XÚC VÀ HÀNH VI
Cảm xúc - bao gồm cả sự lo lắng, sợ hãi, những nỗi buồn, thậm chí cả những cơn tức giận... đều không phải là điều gì xấu xí, ngay cả với những em bé thường xuyên có cảm xúc mạnh hơn bình thường. Điều quan trọng là trẻ cần học được cách thể hiện cảm xúc của mình một cách phù hợp.
Bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích cho các bạn nhỏ hiểu rằng ngay cả khi đang thực sự sợ hãi hoặc vô cùng tức giận, các bạn ý vẫn có thể lựa chọn cách phù hợp để thể hiện những cảm xúc ấy. Cáu giận không có nghĩa là con nên đánh lại bạn học cùng lớp; buồn bã, thất vọng vì không có được thứ mình muốn cũng không có nghĩa là con có thể lăn lộn trên sàn nhà và khóc lóc, ăn vạ.
Cảm xúc là thứ đáng được lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng. Thế nhưng, đó không phải là lời giải thích, biện minh cho những hành vi, biểu hiện mất lịch sự và không phù hợp. Bố mẹ cần giải thích và có biện pháp kỷ luật hợp lý nếu trẻ có những hành động xấu vì không làm chủ được cảm xúc của mình. Hãy nói “Bố/Mẹ biết con tức giận. Nhưng đánh bạn là sai. Con hãy ngồi 5 phút để suy nghĩ và lấy lại bình tĩnh nhé” hoặc “Bố/Mẹ biết con thất vọng vì mọi việc đang không được như ý. Nhưng ăn vạ không giải quyết được vấn đề gì cả, nó còn ảnh hưởng đến công việc của người khác nữa. Con sẽ không được chơi món đồ chơi này trong ngày hôm nay. Lần sau con không được ăn vạ như vậy nữa nhé. Chúng ta có nhiều cách hợp lý hơn để xử lý vấn đề mà.”
3. TÔN TRỌNG CẢM XÚC CỦA CON
Đôi khi việc “lờ” đi hoặc giảm nhẹ cảm xúc của một em bé bằng những câu nói như “Con đừng buồn nữa. Chỉ là một vấn đề nhỏ thôi mà”, “Đừng làm quá mọi thứ lên như thế. Thôi ngay...” hoặc “Có thế mà cũng khóc/buồn/sợ…” có thể khiến các bạn nhỏ vô tình cảm thấy cảm xúc của mình là sai và càng “bế tắc” hơn trong việc xử lý chúng.
Không có khái niệm sai hay đúng trong phạm trù cảm xúc. Khi bạn cảm thấy trẻ có vẻ như đang buồn bã, thất vọng, xấu hổ hay giận dữ, hãy xác nhận cảm xúc đó, đồng thời cho trẻ cảm thấy bạn hoàn toàn hiểu và đồng cảm với con. Ví dụ như: “Bố/mẹ biết con đang buồn vì cả nhà không thể đi đến khu vui chơi như đúng kế hoạch. Bố/mẹ cũng sẽ rất buồn nếu không làm được những việc mà mình thích và đã lên kế hoạch từ trước…”. Việc bổ sung thêm yếu tố bố/mẹ hoặc người khác cũng có cảm xúc như con trong hoàn cảnh tương tự có thể khiến trẻ bớt “trầm trọng hóa” vấn đề của mình hơn. Quan trọng hơn cả, các bạn nhỏ sẽ hiểu rằng việc cảm thấy buồn bã, thất vọng, lo lắng hay tức giận… là những điều hết sức bình thường, ai cũng có lúc trải qua. Đó chỉ là những cảm xúc thoáng qua, thậm chí còn không cần thiết phải kéo dài hơn một phút. Từ đó, trẻ sẽ học cách tự bình tĩnh lại trước khi cảm xúc của mình “bùng nổ”.
4. GIÚP CON GIỮ BÌNH TĨNH VÀ TỰ ĐIỀU CHỈNH CẢM XÚC, HÀNH VI CỦA MÌNH
Thường xuyên có những cảm xúc quá mạnh mẽ so với bình thường không có nghĩa là các bạn nhỏ nên để cho những cảm xúc đó kiểm soát chính bản thân mình. Dưới đây là một số biện pháp đơn giản nhưng cực hữu ích mà các bố mẹ có thể hướng dẫn để trẻ lấy lại bình tĩnh và tự điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình:
Hít thở sâu: Hãy dạy trẻ cách hít vào thật chậm và nhẹ nhàng bằng mũi. Sau đó thở ra chậm rãi bằng miệng. Động tác này nên được lặp đi lặp lại thật nhiều lần cho đến khi cơn tức giận/khó chịu đi qua hoặc khi con tự kiểm soát được cơn nức nở và những giọt nước mắt của mình.
Đếm nhẩm: Hãy dạy con tạm quên đi những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bằng cách đếm nhẩm bất cứ thứ gì như ô gạch dưới chân, bàn phím máy tính, đếm từ 1 đến 10 hoặc đếm ngược từ 100… Tập trung tinh thần và suy nghĩ vào việc đếm nhẩm khiến trẻ dễ lấy lại bình tĩnh hơn.
Cho trẻ có thời gian và không gian riêng: Hãy cho phép trẻ được ngồi một mình ở góc-bình-tĩnh trong một thời gian ngắn (nếu ở nhà) hoặc gợi ý trẻ có thể xin cô giáo cho mình một vài phút đi uống nước hoặc bước sang phòng bên cạnh (nếu ở lớp học). Hãy giải thích để con hiểu mình hoàn toàn có thể tự lựa chọn thời gian, địa điểm để lấy lại bình tĩnh trước khi có những hành vi mất kiểm soát, cũng như tự quyết định khi nào mình đã sẵn sàng để quay trở lại.
Tạo một “bộ sưu tập bình tĩnh”: Bố mẹ và các bạn nhỏ có thể cùng nhau thu thập và để riêng những món đồ có thể giúp con lấy lại sự bình tĩnh (hoặc giúp con trở nên vui vẻ, phấn chấn) như sách tô màu, bút màu, những món đồ chơi, hình ảnh hay bài hát mà con thích… Những thứ này sẽ giúp thu hút lại sự chú ý của các bạn nhỏ, giúp các bạn ý bình tĩnh lại trong trường hợp những cảm xúc tiêu cực có nguy cơ bùng nổ.
Cùng con giải quyết vấn đề: Nếu việc không kiểm soát được cảm xúc gây ra một số vấn đề bất lợi cho trẻ (như trẻ không có bạn chơi cùng vì hay mè nheo, ăn vạ, hoặc con không dám tham gia các trò chơi, các môn thể thao vì sợ bị thua…), hãy cùng con giải quyết vấn đề, cho con những lời khuyên, gợi ý, sự động viên, sự giúp đỡ và cả những biện pháp kỷ luật tích cực nếu cần.
Cùng con tìm ra những động lực tích cực: Nói chuyện với các bạn nhỏ về những điều các bạn ấy thích hoặc những điều khiến các bạn ấy vui vẻ, hạnh phúc và viết ra những điều đó vào một tờ giấy hoặc một tấm bảng và đặt tên là “Danh sách vui vẻ”. Khi con có những cảm xúc tiêu cực, hãy khuyến khích con làm một trong những việc trong “Danh sách vui vẻ” để con tự cân bằng lại cảm xúc của mình.
5. TRÁNH “THỔI BÙNG” NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC CỦA CON
Cách người lớn chúng ta phản ứng với cảm xúc của trẻ có thể tạo ra những khác biệt rất lớn. Đôi khi, chính bố mẹ lại là người vô tình “thổi bùng” những cảm xúc và hành vi tiêu cực, mất kiểm soát của con. Để giúp con tự làm chủ cảm xúc của bản thân, bố mẹ cần tránh:
Đáp ứng mọi thứ mà trẻ muốn để trẻ bình tĩnh lại: Nếu bạn thường xuyên cho trẻ một thứ gì đó để trẻ ngay lập tức ngừng khóc, buồn, lo lắng, sợ hãi…, trẻ sẽ hiểu rằng khóc lóc hoặc tỏ ra “trầm trọng hóa” mọi thứ là cách đơn giản nhất để có mọi thứ mà mình muốn
Dành cho con quá ít sự quan tâm thường ngày và quá nhiều sự chú ý không cần thiết khi con mè nheo, ăn vạ...: Điều này có thể khiến trẻ hiểu rằng tỏ ra khó chịu, buồn bã, bực tức… là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Giải quyết vấn đề thay con: Điều này có thể hữu ích, giúp trẻ bình tĩnh ngay lập tức trong một số trường hợp. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là con cần học cách tự mình làm chủ cảm xúc, tự mình giải quyết vấn đề của chính bản thân mình ngay cả khi không có bố mẹ ở bên giúp đỡ.
Yêu cầu con ngừng khóc ngay lập tức: Yêu cầu con ngừng khóc không giúp trẻ giải quyết được triệt để vấn đề mà có thể còn khiến trẻ trở nên mất kiểm soát vì cảm thấy ấm ức, tủi thân hoặc tức giận hơn. Ngay cả người lớn cũng không thể ngừng khóc ngay lập tức, vậy tại sao bạn lại yêu cầu điều đó ở con mình?
Thông báo với mọi người (như họ hàng, giáo viên, bạn bè của con…) rằng con bạn là một em bé nhạy cảm và dễ bị xúc động: Điều này có thể khiến mọi người dè dặt hơn hoặc có những khoảng cách nhất định khi tiếp xúc với con, thậm chí đối xử với con như một em bé “nhiều chuyện” và thích “trầm trọng hóa” vấn đề. Thay vào đó, chúng ta hãy giữ thái độ tích cực hơn và nói “Không sao đâu. Bạn bé nhà tôi chỉ nhiều cảm xúc hơn những em bé khác một xíu ý mà”.
6. CHO CON CƠ HỘI TẬN HƯỞNG CẢM XÚC CỦA CHÍNH MÌNH
Bố mẹ có thể đưa ra quyết định trong một số tình huống, sự kiện có thể khiến con cảm thấy không thật sự thoải mái, thậm chí là đem lại những cảm xúc tiêu cực cho con. Tuy nhiên, chắc chắn không ông bố bà mẹ nào muốn “bào chữa” cho việc con luôn né tránh những thử thách, khó khăn trong cuộc sống chỉ vì con luôn nhạy cảm và có xu hướng biểu hiện cảm xúc nhiều hơn bình thường. Thay vào đó, hãy giúp con tự trải nghiệm để học cách tự làm chủ và xử lý cảm xúc của mình một cách hợp lý nhé.
Có một điểm đặc biệt ở những em bé nhạy cảm và giàu cảm xúc, đó là các bạn ấy có cơ hội trải nghiệm tối đa các cảm xúc - trong đó có những cảm xúc tích cực theo cách vô cùng tự nhiên và trọn vẹn. Trong nhiều trường hợp, chính các bạn nhỏ lại là người truyền cảm hứng và lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người xung quanh bằng chính sự “bùng nổ” những niềm vui, sự phấn khích và cả niềm hạnh phúc nữa.
Vì vậy, bố mẹ hãy cứ để các bạn ý tận hưởng những cảm xúc của riêng mình nhé. Niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, phấn khích, niềm hạnh phúc, nỗi thất vọng… - đều là những cung bậc cảm xúc hoàn toàn bình thường và không thể thiếu. Chúng ta chỉ can thiệp và giúp đỡ khi những cảm xúc đó gây ra những hành vi tiêu cực hoặc làm ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống của các bạn nhỏ thôi nhé.
7. Và cuối cùng, HÃY TÌM KIẾM SỰ GIÚP ĐỠ TỪ CÁC BÁC SĨ, CHUYÊN GIA NẾU CẦN
Sẽ không có quá nhiều điều lo lắng nếu em bé của bạn vẫn luôn “tràn trề” cảm xúc (vì đó là một phần tính cách, bản năng của bạn ý ngay từ khi sinh ra). Nhưng nếu một em bé đột nhiên có vẻ như gặp khó khăn hơn trong việc quản lý cảm xúc và hành vi của mình, hãy tìm hiểu nguyên nhân và nói chuyện với bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm lý nếu cần sự giúp đỡ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các bác sĩ, chuyên gia nếu những cảm xúc, hành vi mất kiểm soát gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống hàng ngày của con. Nếu con khóc rất nhiều, không muốn kết bạn, không thể hòa nhập vào môi trường lớp học hoặc con thường xuyên tức giận, ném đồ đạc, tự làm đau bản thân…, thì có nghĩa là cả con và bạn đều đang cần thêm sự hỗ trợ đấy.
Ngay cả những em bé không quá nhạy cảm hay thường xuyên mất kiểm soát về mặt cảm xúc vẫn có thể trải qua những giai đoạn mà trẻ trở nên rất khó chịu, cáu bẳn, mè nheo… không thể hiểu nổi. Mặc dù thường không có gì đáng lo lắng (vì mọi em bé vẫn thường phải trải qua những “tuần khủng hoảng” hoặc khoảng thời gian khủng hoảng trong suốt hành trình lớn lên của mình), nhưng bố mẹ vẫn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ nhi khoa nếu trẻ quấy khóc hoặc có những biểu hiện, hành vi bất thường. Khi các vấn đề y tế đã được loại trừ, bố mẹ có thể áp dụng các biện pháp giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát hành vi trong những trường hợp cụ thể nhé.