“Trẻ
con thường xuyên bị bắt trở thành người lớn. Chúng không được phép tức
giận, có những ngày tồi tệ, nói năng thiếu tôn trọng hay có hành vi
không lịch sự. Đúng vậy, chúng ta muốn biến trẻ con thành người lớn mọi
lúc, mọi nơi”
Đó
là một câu nói nổi tiếng của tác giả Rebecca trong cuốn sách Positive
Parenting (Phương pháp nuôi dạy trẻ tích cực). Đôi khi chúng ta bắt gặp
những bậc cha mẹ khắt khe đến từng hành vi của trẻ, bắt trẻ phải làm cái
này, không được làm cái kia, quát mắng mỗi hành động nhỏ của trẻ mà đôi
khi chúng chẳng ảnh hưởng đến ai và gây hại gì, chỉ là họ thấy không
vừa mắt. Hay đơn giản như trẻ con có nhu cầu được vận động, chạy nhảy và
không thể ngồi yên quá lâu nhưng chúng ta luôn bắt trẻ phải tập trung,
nghiêm túc, kỉ luật, chờ đợi. Rất ít cha mẹ chịu hiểu rằng trẻ con không
hoàn hảo và luôn kì vọng chúng phải hành xử tốt hơn, kiểm soát bản thân
tốt hơn cả chính bản thân chúng ta – những người lớn trưởng thành.
Chúng
ta luôn bị áp lực phải chứng tỏ cho mọi người thấy là mình nuôi dạy con
tốt, con mình nghe lời và ngoan ngoãn bằng cách yêu cầu con thể hiện
trước mặt mọi người và đưa ra những “mệnh lệnh” và kì vọng con sẽ thực
hiện ngay lập tức. Rất nhiều lần chúng ta mắng mỏ con trước mặt người
khác vì những hành vi của con làm chúng ta thấy xấu hổ, chúng ta muốn
GIỮ THỂ DIỆN CHO MÌNH, muốn giữ hình tượng là một ông bố, bà mẹ nuôi dạy
con giỏi, con nghe lời mà không hề nghĩ đến thể diện, cảm xúc của đứa
trẻ. Chúng ta làm TỔN THƯƠNG CON vì thể diện của chúng ta.
Chúng
ta có thể quát lên với con “Mẹ đang phát điên vì con rồi!” nhưng nếu
con gào lên “Con cáu mẹ lắm rồi đấy!” thì chúng ta sẽ cho rằng con “hư”,
“láo” thế! Dường như chúng ta cho mình quyền bực mình với con, phát
điên lên với con, không cho phép con làm cái này cái kia nhưng trẻ mà
nói không thích, cáu kỉnh thì bị buộc tội là “không nghe lời” “ngang
bướng”. Có vẻ như quyền thể hiện cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực chúng ta
cũng không cho phép trẻ hay chúng ta cho rằng trẻ con thì không có cảm
xúc?
Những
đứa trẻ cũng là con người và đương nhiên chúng sẽ có những khuyết điểm,
những lúc “không hoàn hảo”. Chính bản thân bạn cũng có những lúc cảm
thấy giận dữ, chán chường, sợ hãi, thất vọng, buồn bã, những ngày thật
tồi tệ. Và đôi khi tức giận vì con có hành vi không lịch sự, hãy thử
nhìn lại xem, bạn đã từng ngó lơ khi con đang nói chuyện với mình chưa,
đã từng tỏ thái độ không tôn trọng người khác chưa, đã từng hét lên và
đóng sầm cửa, đã từng hét vào mặt người khác chưa?
Thẳng
thắn thừa nhận rằng chúng ta đã từng làm những việc đó, ít nhất 1 lần.
Tất nhiên là chúng ta có lí do. Công việc thật áp lực. Không ngủ được vì
con cựa quậy, quấy khóc. Chúng ta luôn có lí do để biện minh cho những
hành vi không đúng đắn của mình. NHƯNG KHI CON CÓ PHẢN ỨNG, CHÚNG TA
KHÔNG NHÌN VÀO LÍ DO ĐẰNG SAU: có thể con mệt, có thể con đang không
vui, có thể con đang tức giận….
Chúng ta chỉ thấy
sao con hư hỏng và nghịch ngợm, chúng ta muốn con phải xin lỗi, phải sửa
chữa. Nếu bạn không thể kiểm soát việc mình tức giận sẽ đóng sầm cửa
hoặc nói những lời khó nghe tại sao lại bắt buộc con không được rền rĩ
khi chúng cũng buồn bã, tức giận vì không được món đồ chơi yêu thích?
Không
những thế, những đứa trẻ là những người chưa trưởng thành, chúng còn
đang phải làm sai, thử và học từ những cái sai đó. Tại sao chúng ta kì
vọng những đứa trẻ với BỘ NÃO ĐANG PHÁT TRIỂN và những TRẢI NGHIỆM SỐNG
HẠN CHẾ phải hành xử tốt hơn cả những người lớn trưởng thành, phải mỉm
cười lịch sự chào hỏi ai đó dù không thích, phải kìm nén thất vọng và
tức giận không được ăn vạ trong khi chúng ta cũng có những ngày mệt mỏi
vì công việc và về quát lên với con?
Không
chỉ khiến con trẻ bị tổn thương, Phương pháp giáo dục sai lầm là một
nguyên nhân dẫn đến ADHD, hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ. Nhiều bố
mẹ đã có rất nhiều sai lầm trong giáo dục con, thiếu quan tâm và thấu
hiểu con, đưa ra những tiêu chuẩn quá khắt khe cho con phải lễ phép, vào
khuôn khổ, không chấp nhận sự hiếu động, hoạt bát bình thường của trẻ
khiến trẻ thể hiện những hành vi như ADHD để chống đối, thể hiện những
tổn thương về mặt tâm lí khiến trẻ tự ti, bất an, chán ghét…..
Trách
nhiệm của cha mẹ là hướng dẫn con trở nên trưởng thành hơn, biết kiểm
soát cảm xúc, cư xử lịch sự và tôn trọng hơn. Nếu con có hành vi không
đúng, nếu chúng ta không can thiệp thì chúng ta thiếu sót, sai lầm và vô
trách nhiệm. Nhưng hãy nhớ rằng, thi thoảng CẢM THÔNG LÀ NGƯỜI THẦY TỐT
NHẤT. Thi thoảng, BỎ QUA LÀ BIỆN PHÁP TỐT NHẤT. Điều này không có nghĩa
là chúng ta sẽ bỏ qua toàn bộ những hành vi thiếu tôn trọng, cách cư xử
thiếu lịch sự của trẻ. Cuối cùng cái đích mà chúng ta hướng đến là trẻ
nhận thức là chúng đang cư xử không đúng và thay đổi. Nhưng không phải
cứ dạy bảo rõ ràng thì trẻ mới hiểu, đôi khi đơn giản chỉ cần một cái
ôm, một lời nói cảm thông là đã đủ. <3