Khi thời tiết chuyển sang đông, cũng là lúc chúng ta rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên vi rút, vi khuẩn gây bệnh dễ tấn công. Vì vậy, ba mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe cho con để phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông.
Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ thường mắc phải, nhất là vào mùa đông. Khi bị cảm cúm, trẻ có một số triệu chứng như ngứa họng, sổ mũi (nước mũi của bé sẽ chuyển từ dạng lỏng sang đặc quánh và có màu vàng hoặc xanh), nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho, sốt, chán ăn… Để phòng tránh, ba mẹ cần hướng dẫn hoặc giúp bé rửa tay bằng xà phòng đúng cách; xông tinh dầu theo phương pháp Cửa Sổ Vàng, vệ sinh nơi ở sạch sẽ; giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ cho con; cho trẻ ăn chín uống sôi; cho con ăn nhiều thực phẩm giàu protein, vitamin C kết hợp với vận động để tăng cường sức đề kháng.
Sốt xuất huyết là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue, thường được lây nhiễm từ người sang người thông qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ có những dấu hiệu như sốt cao kéo dài, đau đầu, nổi mẩn, phát ban, tiến triển nặng có thể gây buồn nôn, nôn, bàn chân và bàn tay lạnh… Đây là loại bệnh giao mùa rất nguy hiểm. Để phòng tránh, ba mẹ cần vệ sinh nhà thường xuyên để diệt muỗi, bọ gậy trong nhà cũng như xung quanh nơi ở; cho con mặc quần áo dài tay, nằm ngủ màn và bôi kem xua muỗi… vào thời điểm giao mùa.
Đây là bệnh do virus cấp tính Coxsackievirus và Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền qua nhiều đường khác nhau đặc biệt là đường tiêu hóa hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết như phân, nước bọt, bọng nước, dịch mũi họng,... Khi bị bệnh, trẻ thường bị nổi bọng nước trên da, loét niêm mạc miệng, tiến triển nặng có thể khiến trẻ khó thở, nôn trớ và co giật… rất nguy hiểm. Ba mẹ có thể phòng ngừa cho con bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng, hạn chế để con tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng xà phòng đúng cách.
Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính, rất hay gặp ở trẻ nhỏ do viêm tắc các đường hô hấp nhỏ. Triệu chứng thường gặp nhất là ho (càng ngày càng nhiều), chảy nước mũi trong, sốt cao, thở khò khè nặng nề, bú kém, nôn trớ... Để phòng bệnh, ba mẹ cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho trẻ hằng ngày, chú ý vệ sinh tai, mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý; giữ ấm đúng cách cho con khi chuyển mùa; cho bé ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước; vệ sinh không gian nhà ở sạch sẽ, khô thoáng; tránh cho con tiếp xúc với các loại khói, mầm bệnh.
Viêm mũi là bệnh thường gặp ở trẻ, nhất là vào mùa đông với các biểu hiện như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi... khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, kén ăn,... Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Để phòng bệnh cho con, ba mẹ cần chú ý giữ ấm vùng mũi, cổ, chân cho con khi thời tiết chuyển mùa; tránh để trẻ ngoáy mũi; cho con ăn uống đủ dưỡng chất; vệ sinh nhà ở sạch sẽ, giữ khô thoáng không gian ở; hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, bụi; nếu trẻ bị viêm mũi, ba mẹ cần nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%, ngày 3 – 4 lần cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
Bệnh tiêu chảy không chỉ xuất hiện vào mùa hè, mà trẻ cũng rất dễ mắc phải vào mùa đông do virus Rota gây nên. Để phòng tránh bệnh, ba mẹ lưu ý cho con ăn chín uống chín; tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ vận động, ăn uống đủ chất; giữ gìn vệ sinh cho con cũng như những đồ vật con hay tiếp xúc, đặc biệt là thường xuyên rửa tay cho bé; tránh cho con tiếp xúc với người đang bệnh tiêu chảy...