Ngôi nhà, nơi trẻ sinh sống có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương tích cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, các bậc cha mẹ và người trông nom trẻ cần có kiến thức để tạo dựng một môi trường sống an toàn cho trẻ sinh hoạt và vui chơi, phòng chống các tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Tai nạn thương tích có thể xảy ra ngay trong nhà
Những nơi trong nhà có nguy cơ cao dễ gây tai nạn thương tích cho trẻ nếu không được người lớn chú ý và phòng ngừa. Đó là các khu vực như phòng bếp, phòng khách, nơi cất giữ thuốc, nhà kho và các ao hồ, nơi chứa nước xung quanh nhà… Các đồ vật có thể có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ cần đặc biệt lưu ý là các đồ vật nóng như phích nước, nồi chứa thức ăn nóng..., hệ thống điện, các vật sắc nhọn (dao, kéo...), các hạt, đồ chơi nhỏ (đối với trẻ dưới 5 tuổi), các vật dụng hay nơi chứa nước (xô, thùng, bể, giếng nước...), các loại hóa chất gia dụng và thuốc uống. Ngoài ra, cách bố trí sắp xếp trong nhà không gọn gàng cũng có thể là nguyên nhân gây thương tích ở trẻ. Vì vậy, để phòng chống thương tích cho trẻ, các gia đình cần rà soát, liệt kê các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và tổn thương cho trẻ ở nhà để có kế hoạch sửa chữa, loại bỏ. Sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, hợp lý để phòng trẻ em tiếp xúc với các tác nhân có thể gây tai nạn thương tích tại nhà.
Các biện pháp cơ bản phòng chống tai nạn thương tích trong nhà cho trẻ
Phòng chống ngã: Cửa sổ phải có chấn song để trẻ không chui qua được, làm cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang khi có trẻ dưới 6 tuổi, cầu thang phải có lan can chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên; sử dụng gạch chống trơn trượt để lát gạch phòng tắm, lối đi lại trong nhà; sân, cổng, ngõ cần làm bằng phẳng, không trơn trượt.
Phòng chống thương tích do các vật sắc nhọn: Sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn (dao, kéo), các dụng cụ lao động (cày, bừa, liềm, hái...) trong giá treo, ngăn kéo ngoài tầm với của trẻ hoặc kho có khóa để không gây thương tích cho trẻ; bịt các góc nhọn ở cạnh bàn khi nhà có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
Phòng chống bỏng, điện giật: Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc phải có vỏ bọc chắc chắn, đảm bảo an toàn; các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và có hộp bảo vệ hoặc nắp đậy an toàn. Khu bếp nên riêng biệt hoặc có cửa ngăn hoặc khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được bếp lửa, bình ga; Đèn, diêm, bật lửa, đồ đựng thức ăn nóng, phích nước nóng cần sắp xếp để ở ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Không để trẻ dưới 6 tuổi trong nhà tắm một mình, tắt bình nóng lạnh khi không sử dụng. Các hố vôi tôi cần có rào chắn an toàn không để trẻ tiếp cận.
Phòng chống đuối nước: Đảm bảo ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận; giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong buồng tắm.
Phòng chống hóc sặc ở trẻ nhỏ: Không để các đồ vật nhỏ như đồng xu, cúc áo, đồ chơi trong tầm với của trẻ. Lưu ý khi cho trẻ nhỏ ăn các đồ ăn dễ gây nghẹn, dính, thạch, hoa quả có hạt như vải, nhãn.
Phòng chống ngộ độc: Đảm bảo an toàn thực phẩm, không để trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu. Nên có tủ đựng thuốc để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Các chất độc như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt để trong kho có khóa để trẻ không tiếp cận được.
Phòng chống bị động vật cắn, đốt hút: Nên phát quang xung quanh nhà; vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và phải được tiêm phòng theo đúng quy định; Cần dạy bảo trẻ không nên trêu chọc khi vật nuôi đang ăn, đang ngủ hay cho bú, chăm sóc con.
Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Gia đình hòa thuận quan tâm chăm sóc lẫn nhau cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển hài hòa, phòng chống được các thương tích do bạo lực và tự tử ở trẻ lớn.