Giao tiếp
là kĩ năng rất quan trọng trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên thực tế
hiện nay, nhiều bố mẹ chỉ quan tâm đến việc dạy kiến thức (luyện viết,
làm toán, …) mà quên đi việc dạy kĩ năng giao tiếp cho con. Không ít
người lớn hay chê trẻ bây giờ giao tiếp kém nhưng dạy trẻ giao tiếp như
thế nào thì người lớn chúng ta lại lúng túng.
Trong
khuôn khổ bài viết này tác giả không có tham vọng là sẽ đưa ra các biện
pháp để các con trở thành những đứa trẻ khéo léo tế nhị, giao tiếp khôn
ngoan mà chỉ giới hạn ở việc giúp bố mẹ quan tâm hướng dẫn trẻ biết
cách giao tiếp cơ bản để con không gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống,
sinh hoạt.
Có câu chuyện sau: Có một anh Giám đốc rất thành công trong một lĩnh vực. Một anh phóng viên đến phỏng vấn.
Anh Phóng viên: Anh cho biết làm thế nào để anh thành công như vậy?
Anh Giám đốc: Là do tôi đã làm đúng.
Anh Phóng viên: Làm thế nào để làm đúng?
Anh Giám đốc: Là do tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc.
Anh Phóng viên: Làm thế nào để có kinh nghiệm?
Anh Giám đốc: Là do tôi có nhiều lần làm sai.
Như
vậy, từ câu chuyện này suy ra, để có lần làm đúng, người ta bắt buộc
phải trải qua những lần làm sai. Để có thể nói đúng và nói hay, người ta
bắt buộc từ nói sai và nói dở. Một lớp học hơn 50 trẻ chỉ có rất ít
những đứa trẻ hoạt ngôn, có trí thông minh ngôn ngữ bẩm sinh mà phần lớn
đều phải trải qua luyện tập mà thành.
Vậy
rèn giao tiếp cho trẻ bắt đầu từ đâu? Từ việc hãy để cho trẻ được nói,
dù là ngôn ngữ đó ngô nghê, không được như sách vở. Hãy để trẻ tự tin
nói lên chính ý nghĩ của chúng, chứ không phải nói theo ý muốn của chúng
ta, không phải là cụ non, già trước tuổi. Trong quá trình lắng nghe,
đừng chê bai, dè bỉu hay mắng mỏ . Lâu dần, trẻ sẽ sợ mắng mà không dám
nói nữa. Thay vì chê, chúng ta hãy sửa dần cho con một cách kiên trì,
từng bước một. Các anh chị hãy hướng dẫn con nói và phát âm một cách
tròn vành rõ chữ; biết thể hiện mong muốn của mình; biết biểu lộ tình
cảm, sự quan tâm đến người nghe rồi mới dạy nói hay, nói khéo sau.
Hãy tuân thủ theo các bước: Quan sát – Đánh giá mức độ - Luyện tập thường xuyên có khuyến khích động viên
Việc đầu tiên là anh chị hãy quan sát xem con mình ở mức độ nào theo các mức độ giao tiếp sau:
1/ Mức kém: Là những trẻ nói năng còn ngọng, có tật nói lắp, ngôn ngữ giao tiếp còn nghèo nàn, có khi cha mẹ phải “phiên dịch”…
Đối
với trẻ nói lắp: Hãy bắt trẻ nói chậm lại, nhắc lại câu mình nói một
cách rõ ràng, nếu không thì nhất định không làm theo yêu cầu của trẻ.
Nhiều lần như thế, trẻ sẽ bỏ được tật nói lắp.
Đối
với những trẻ nói ngọng, cha mẹ hãy rèn cho con cách nói năng, phát âm
rõ ràng, sửa dần từng tật nói ngọng một, mỗi hôm 1 ít thời gian, kiên
trì đến khi thành công. Anh chị đừng mong có thể sửa được tất cả các lỗi
một cách nhanh chóng mà hãy chia ra một khoảng thời gian nhất định để
rèn từng lỗi một. Bố hoặc mẹ, ai phát âm đúng thì phải ngồi làm mẫu để
con được mặt đối mặt, phát âm lặp lại nhiều lần và cho trẻ phát âm
theo, chú ý bắt trẻ nhìn khẩu hình. Nếu anh chị muốn sửa ngọng cho con
một cách chuyên môn, bài bản hãy đưa con đến khoa Nói ngọng của các bệnh
viện Nhi , bác sĩ sẽ hướng dẫn con phát âm chuẩn hơn.
Với
trẻ ngôn ngữ giao tiếp còn nghèo nàn, hãy cho trẻ giao tiếp, gặp gỡ
nhiều, cho trẻ đọc thật nhiều sách để tăng cường vốn từ hoặc đọc nhiều
sách cho trẻ nếu trẻ chưa biết chữ.
2/ Mức Trung bình:
Trẻ nói được nhưng câu đơn giản nhưng cần rất nhiều chỉ dẫn từ người
khác; Nêu được ý kiến của mình một cách nghèo nàn, chưa mạch lạc và chưa
đủ câu; Biết lắng nghe, nhưng không biết cách khơi gợi được phản hồi
của người nghe.
Anh
chị hãy để cho con được nói nhiều hơn nữa, quan tâm nhắc nhở con nói
năng đủ câu. Câu nói phải rõ ràng, đủ chủ ngữ, vị ngữ, không nói trống
không, không nói nhát gừng; dạy con cách thể hiện tình cảm, sự quan tâm
lắng nghe, kết hợp cử chỉ một cách đơn giản. Cho trẻ đọc những đoạn văn
vừa phải, chú ý ngữ điệu biểu cảm, hoặc cho trẻ kể một câu chuyện ngắn
để rèn khả năng nói ở mức cơ bản. Không cần nói hay như phát thanh viên
nhưng cũng cần biết nhấn mạnh để tạo sự thu hút cho người nghe, luyện
tập nhiều lần đến khi trẻ thuần thục.
- Rèn cho con cách đặt câu hỏi một cách lễ độ khơi gợi sự chú ý của người nghe
3/ Mức độ khá:
Trẻ
có thể giao tiếp được trong những tình huống khó khăn, dù đôi khi vẫn
cần được chỉ dẫn từ người khác; Có khả năng nói năng rành mạch, rõ ràng,
biết cách xử lí tình huống.
Ở
mức độ này, các con đã có vốn kinh nghiệm kha khá rồi , nếu con biết
hài hước nữa thì rất tốt, chú ý nhắc con hài hước thì cũng tránh trêu
đùa cái xấu của người khác.
-
Khuyến khích con thể hiện bản chất tốt, chân thành, nếu không nói những
điều có hại cho người khác thì hãy im lặng và chuyển chủ đề sang chuyện
khác.
Để
nói về rèn luyện kĩ năng giao tiếp thì còn rất nhiều điều để nói, nói
gì và không nói gì là một nghệ thuật sống mà chính chúng ta cũng còn
phải rèn luyện. Nếu con chưa giao tiếp tốt được như ý muốn thì cũng nên
bằng lòng với sự cố gắng của con rồi từ từ thay đổi, tránh chê bai trẻ
sẽ tự ti không tốt cho con.