Sau một thời gian dài trẻ ở nhà và được sử dụng các thiết bị công nghệ, rất nhiều bậc phụ huynh bàng hoàng nhận ra con mình đã nghiện game hoặc trở thành "game thủ" từ lúc nào không hay. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và kết quả học tập của trẻ.
Hiểm hoạ khôn lường khi trẻ nghiện game
Thời gian qua, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra cũng chỉ vì trẻ nghiện game. Tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ án mạng, nguyên nhân chỉ vì tranh cãi về tên một nhân vật trong game điện thoại mà một học sinh đã dùng dao chém vào đầu bạn của mình gây tử vong tại chỗ. Ở Thái Nguyên, có 2 trẻ vì nghiện game đã ra tay sát hại người bà họ hàng một cách dã man, cướp đi tiền để chơi game. Có những trường hợp đột tử vì kiệt sức, suy nhược cơ thể do chơi game kéo dài, liên tục.
Đây chỉ là một vài câu chuyện trong rất nhiều trường hợp cho thấy nghiện game online chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội gây hậu quả đau lòng.
Tháng 6/2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). WHO phân loại người chơi game quá mức là đối tượng có vấn đề tâm thần. Đó là những người ưu tiên chơi game hơn các hoạt động, sở thích khác trong cuộc sống và đã kéo dài tình trạng này quá 1 năm.
WHO phân loại người chơi game quá mức là đối tượng có vấn đề tâm thần
Theo TS.BS Ngô Anh Vinh – Phó trưởng khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện nhi Trung ương, nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần của trẻ như: Rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất tập trung và giảm trí nhớ, mắc các bệnh lý về mắt, cơ xương khớp do cường độ làm việc lớn của đôi mắt và ngồi một tư thế quá lâu.
Đặc biệt, trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn hình thành nhân cách nên nghiện game có thể gây tác động xấu đến tương lai của trẻ. Một số trò chơi mang tính chất bạo lực có thể khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời. Mải mê chơi game khiến trẻ không còn thời gian chăm lo học hành, rèn luyện thể lực và sức khỏe, không quan tâm đến thế giới xung quanh, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng sống. Thêm vào đó, trẻ nghiện game có nguy cơ cao hơn mắc các rối loạn tâm thần so với trẻ khác, như các rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, rối loạn sử dụng chất,…
Những dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game
Nghiện game tuổi học đường ngày càng gia tăng và đang là một vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 70 – 80% số trẻ em từ 10 – 15 tuổi thích game online, trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 – 15%. Sau đây là các dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ nghiện game online cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Trẻ thích ở một mình tại phòng/ khu vực riêng để chơi game
- Game là thứ trẻ nghĩ đến và muốn làm đầu tiên sau khi thức dậy
- Viện cớ để tránh phải tham gia một số hoạt động ngăn cản trẻ chơi game (đi dã ngoại cùng gia đình, đến nhà người thân,…)
- Chểnh mảng, thiếu kiên nhẫn trong những công việc, sinh hoạt thường ngày, nhưng có thể dành nhiều thời gian, công sức, hoặc tiền bạc vào việc chơi game
- Thích trò chuyện về các chủ đề, khoe thành tích liên quan đến game; sử dụng thuật ngữ, tên gọi trong game ngay cả trong đời thường.
- Có biểu hiện của che giấu, dối trá liên quan đến những tác động xấu của game.
Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ không sa đà vào game
Nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã rơi vào ‘vòng xoáy’ game online thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Chính vì vậy, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online.
Thảo luận với con về hậu quả của nghiện game: Trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối. Ngoài ra, cha mẹ nên tìm kiếm những bài báo, tài liệu đáng tin cậy để minh chứng cho trẻ rằng chơi game online quá độ sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân trẻ.
Dành nhiều thời gian ở bên cạnh con: Khi ở bên cạnh con, cha mẹ có thể kiểm soát thời gian chơi game và hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ. Qua đó giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, cũng như học hỏi từ những thói quen tốt của người lớn.
Tham gia vào các hoạt động thể chất: Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ,… Để con có hứng thú, cha mẹ và anh chị em trong nhà nên tham gia cùng trẻ.
Cho trẻ giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà: Cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa,… Khi con hoàn thành tốt, nên khen ngợi và có thể thưởng cho con những phần quà nhỏ. Điều này sẽ khích lệ trẻ duy trì các hành vi tích cực và quên dần đi cảm giác hứng thú, phấn khích khi chơi game online.
Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu: Ngoài việc học trên trường, bố mẹ cũng cần khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công,… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.
Ths.BS Đặng Hải Tú – Khoa Sức khoẻ vị thành niên