Hôm trước tôi nhận được cuộc gọi của một người lạ nhờ tư vấn giúp cho con họ là một cô bé có biểu hiện học kém, nghịch ngợm quá và không chịu nghe lời cô giáo. Cô bé luôn chân luôn tay không lúc nào nghỉ, rời ra là chạy nhảy, không chịu ngồi yên, có lúc chân tay vận động liên tục như thể có gắn mô tơ vậy. Tôi liền bảo: “Hay là con em có triệu chứng tăng động giảm chú ý?” Người mẹ ngạc nhiên hỏi: “Tăng động giảm chú ý là gì hả chị? Lần đầu tiên em nghe thấy cụm từ đó.”
Thật ra kiến thức về “Rối loạn tăng động giảm chú ý” (Attention Deficit – Hyperactivity Disorder (viết tắt là ADHD) không phải là kiến thức mới. Điều này chúng tôi được biết đến cách đây khoảng hơn chục năm bởi vậy tôi có phần ngạc nhiên vì mọi người đa số không có khái niệm về nó mà chỉ nghĩ đơn giản là con mình hiếu động quá mức và thiếu tập trung. Chính vì vậy các bố mẹ có con tăng động giảm chú ý sẽ không có nhiều hiểu biết về vấn đề này, thậm chí còn phủ nhận và thiếu hợp tác với giáo viên trong quá trình giáo dục con.
Chính vì vậy tôi viết bài này về trẻ tăng động giảm chú ý hi vọng sẽ giúp cho một số phụ huynh nào cần đến nó. Bài này chia làm 2 phần: Phần 1 là một số kiến thức xung quanh chứng ADHD; phần 2 là chia sẻ của tôi về một số biện pháp giúp trẻ ADHD tập trung hơn trong học tập và cải thiện kết quả học tập.
1. Tỉ lệ tự nhiên: Trẻ TĐGCY chiếm 6,5 % trẻ em và 2,8 % thiếu niên vẫn còn triệu chứng; 20% trong số đó cần phải can thiệp giáo dục đặc biệt. 70% trẻ em bị bệnh này sẽ kéo dài tới tuổi vị thành niên, 50 - 60% kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bé trai mắc nhiều hơn bé gái (tỉ lệ 3:1).
Thực tế không ít trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ở mức độ nặng mới được các bậc cha mẹ phát hiện và đưa đi khám.
2. Nguyên nhân: có thể do yếu tố di truyền, bệnh lý khi mang thai (người mẹ uống nhiều sữa có chất tăng trưởng), tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh; cũng có thể xuất phát từ môi trường sống không ổn định: ồn ào, đông đúc, lộn xộn,… Hoặc trẻ bị lôi cuốn vào điện tử, nghiện internet, xem tivi quá nhiều…nhưng quan trọng nhất là do cha mẹ dành ít thời gian cho con, giao hẳn trẻ cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc hoặc cha mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, tâm lý về trường hợp này để có những phương pháp can thiệp giúp con hiệu quả.
3. Trẻ thế nào thì được xác định là Tăng động giảm chú ý ?
Trong cơ thể trẻ ADHD dường như có một “chiếc máy hoạt động không nghỉ”. Trẻ thường không thể ngồi im. Xu hướng là trẻ luôn cố gắng đứng lên và chạy xung quanh. Khi buộc phải ngồi xuống, trẻ cảm thấy rất khó chịu thường liên tục ngọ nguậy, vặn vẹo trên ghế. Cho nên trẻ đa phần là học yếu và kĩ năng viết kém. Tuy nhiên trẻ chỉ được xác định là tăng động giảm chú ý khi có tối thiểu 6 triệu chứng (hoặc hơn) trong thời gian tối thiểu 6 tháng với ít nhất 2 môi trường thể hiện (đa phần là trẻ có biểu hiện ở nhà và lớp học)
Biểu hiện của trẻ kém tập trung:
–Hay phạm lỗi do lơ đễnh; rất dễ nổi cáu ở những thời điểm không phù hợp
– Khó tập trung chú ý khi học và chơi.
– Thường có vẻ không nghe khi được hỏi trực tiếp.
– Không theo kịp và hoàn thành các việc được yêu cầu
– Khó khăn khi phải giải quyết một việc hay một vấn đề.
– Tránh né, không thích làm những việc cần tập trung trí tuệ.
– Thường làm mất đồ
– Không kể lại được những gì diễn ra trong ngày như hôm nay học gì? Cô dạy gì? Ăn gì? Vv…
– Thường bị phân tâm do kích thích bên ngoài.
Biểu hiện của trẻ khi bị tăng động:
– Cựa quậy bàn tay, chân hoặc ngọ ngoậy trên ghế; không thể ngồi yên một chỗ
– Thường đứng lên bỏ ghế lúc đang học tập.
– Chạy hoặc leo trèo khắp nơi không thích hợp.
– Khó chơi một cách yên ắng.
– Thường đi hoặc làm như đang ngồi trên lò xo.
– Thường nói quá nhiều.
Biểu hiện của bé có tính bốc đồng
– Thốt ra câu trả lời trước khi chấm dứt câu hỏi
– Ít kiên nhẫn chờ đến phiên mình.
– Thường cắt ngang hoặc xâm lấn, áp đặt đối với người khác.
Trẻ ADHD sẽ gặp nhiều khó khăn khi không được cha mẹ quan tâm can thiệp sớm và có thể ảnh hưởng nhiều đến tương lai sau này. Thế nên nếu chẳng may con bạn mắc chứng tăng động giảm chú ý hay hiếu động quá mức, thì cha mẹ chính là người can thiệp tốt nhất giúp con cải thiện tốt những dấu hiệu trên đồng thời hòa nhập xã hội cũng tốt hơn.